Dịch bệnh tiếp tục lây lan, thế giới ghi nhận gần 95 triệu ca nhiễm Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 21 giờ 30 ngày 16/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 94.421.017 ca nhiễm, trong đó có 2.020.254 ca tử vong vì bệnh COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 11/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN). Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 11/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo trang thống kê worldometers.info, đến 21 giờ 30 ngày 16/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 94.421.017 ca nhiễm, trong đó có 2.020.254 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Tổng số ca đã bình phục là 67.463.480 ca.

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 24,1 triệu ca nhiễm khiến hơn 401.800 người tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và hơn 152.100 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là hơn 8,3 triệu người, trong đó hơn 208.200 người tử vong.

Tại khu vực châu Á, Malaysia ngày 16/1 ghi nhận 4.029 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 155.095 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng lên 594 ca, sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.

Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 14.224 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số người mắc bệnh lên 896.642 người.

Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 283 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 25.767 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia.

Tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu những người nhập cảnh phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày, nâng tổng số ngày phải cách ly lên con số 28 ngày. Quyết định được đưa ra sau khi Bắc Kinh và các thành phố khác đều xuất hiện các ca bệnh là người nhập cảnh đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày.

Trong khi đó, Cơ quan thông tin Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo chính quyền Hong Kong sẽ hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 và Lễ hội đèn lồng Tết Nguyên tiêu nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc quyết định kéo dài thêm 2 tuần thời gian thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong hệ thống 5 cấp - đối với khu vực thủ đô và áp dụng cấp độ 2 đối với các địa phương còn lại. Tuy nhiên, chính phủ sẽ nới lỏng một số hạn chế kinh doanh đối với quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở trong nhà khác.

Chính phủ Azerbaijan ngày 16/1 cho biết nước này sẽ cho phép các quán càphê và nhà hàng mở cửa trở lại từ ngày 1/2 tới, nhưng sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế còn lại đến tháng 4, đồng nghĩa với việc các trung tâm mua sắm vẫn đóng cửa và dịch vụ tàu điện ngầm ở thủ đô Baku vẫn tạm ngừng hoạt động.

Tại châu Âu, theo nhật báo Brno (Séc), Áo đã quyết định tạm thời đóng hơn 40 cửa khẩu với Séc và Slovakia từ ngày 14/1, do sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở cả hai nước này. Những người có nguyện vọng qua biên giới từ ngày 15/1 phải đăng ký trước bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, Áo vẫn mở 8 cửa khẩu biên giới chính với Séc. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Séc và Slovakia là ''cực kỳ căng thẳng'' và việc Áo phải áp dụng các biện pháp trên là nhằm "duy trì trật tự và an ninh công cộng."

Hy Lạp bắt đầu tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, Serbia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vắcxin phòng COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vaccine của hãng này đã tới sân bay Belgrade.

Như vậy, sau vắcxin của Pfizer/BioNTech và Sputnik V của Nga, sản phẩm của Sinopharm là vaccine thứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Dự kiến, việc tiêm phòng vắcxin của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17/1 hoặc 18/1 tới.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 11/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 11/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tại châu Mỹ, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này, cho biết đã ban hành các lệnh hạn chế mới ở 8 thành phố cấp bang nhằm chặn đứng xu hướng các ca mắc mới tăng cao liên tục trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, Chính phủ Colombia thông báo kéo dài thời hạn đóng các cửa khẩu đường bộ và đường sông cho tới ngày 1/3 như một phần trong các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.

Colombia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Đến nay nước này đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 47.491 trường hợp tử vong.

Tại châu Phi, Algeria tiếp tục mở rộng lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo đó, lệnh phong tỏa được mở rộng từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau đối với 29 tỉnh, thành, đi kèm với nhiều biện pháp ngăn chặn khác để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không quốc tế như Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), KLM của Hà Lan và Lufthansa của Đức đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này hiện đã lây lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới.

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết hơn để ứng phó với đại dịch COVID-19.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục