Mỹ phát triển hồ sơ điện tử cho người đã tiêm vắcxin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Mục đích của dự án là nhằm giúp người dân có được các bản sao điện tử hồ sơ tiêm chủng đã được mã hóa và họ có thể lưu hồ sơ này trong ví điện tử mà họ lựa chọn.
Người dân tại San Diego, California tiêm vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN). Người dân tại San Diego, California tiêm vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hai "ông lớn" công nghệ Mỹ là Microsoft, Oracle cùng các công ty chăm sóc y tế Cigna và Mayo Clinic đã tham gia dự án “Sáng kiến Giấy chứng nhận tiêm vắcxin” nhằm phát triển một loại hồ sơ điện tử cho những người đã được tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông báo công bố ngày 14/1, các công ty trên cho biết mục đích của dự án là nhằm giúp người dân có được các bản sao điện tử hồ sơ tiêm chủng đã được mã hóa và họ có thể lưu hồ sơ này trong ví điện tử mà họ lựa chọn.

Những người không có điện thoại thông minh sẽ nhận được giấy chứng nhận có mã QR tích hợp thông tin chứng nhận tiêm vắcxin.

Tại Mỹ, những người đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 sẽ nhận được một thẻ hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, các công ty công nghệ cho rằng hệ thống hiện hành không thuận tiện để truy cập, kiểm soát và chia sẻ hồ sơ tiêm chủng.

Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, số người đã được tiêm phòng vẫn ít hơn so với mục tiêu nhà chức trách nước này đặt ra là đến cuối tháng 12/2020 tiêm phòng cho 20 triệu người.

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 13/1, hơn 10 triệu người ở Mỹ đã được tiêm liều vắcxin đầu tiên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết, trong số 29.380.125 liều vắcxin của hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna được chuyển tới các bang của nước này, đã có 10.278.462 liều được sử dụng tiêm mũi đầu tiên.

Như vậy mới chỉ có khoảng 3,1% trong tổng dân số khoảng 330 triệu người ở Mỹ được tiêm phòng mũi đầu tiên và vắcxin này chưa được sử dụng cho trẻ em.

Xét tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng, Israel đang dẫn đầu thế giới, tiếp đó lần lượt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Anh và Mỹ.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục