Theo ông Punnya Niraan De Silva, thành viên HĐQT YEG, YEG vẫn đang tiếp tục làm việc với Youtube. Theo thông báo là 31/3 chấm dứt hợp tác MCN, nhưng HĐQT vẫn đang kháng cáo và phía Youtube vẫn đang suy nghĩ về việc này.
“HĐQT sẽ cố gắng để có kết quả tốt nhất về việc này”, ông Punnya Niraan De Silva nói.
Cổ đông đặt câu hỏi: Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với Youtube, thì YEG làm thế nào để ra thế giới?
Về vấn đề này, ông Punnya Niraan De Silva cho biết, hiện nay, YEG đã tự phát triển các kênh của riêng mình, nếu có MCN hay không có MCN, thì YEG vẫn sẽ tiếp tục phát triển các kênh riêng của mình như ban đầu.
Trước chất vấn của cổ đông về sự cố với Youtube vừa qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT YEG thừa nhận, vừa qua, mảng Youtube phát triển lớn quá, các nội dung mà YEG up lên một ngày tương đương nội dung của các đài truyền hình trong nước. Khi phát triển nhanh quá, hệ thống vận hành quản lý phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề chưa lường hết được.
"Ví dụ, khi các cổ đông ngồi đây vào wifi là tự động xóa IP hết. Nếu một người ngồi ở văn phòng Yeah 1 ở đây mà up một nội dung lên thì YEG không kiểm soát được. Vì thế hiện nay, Yeah 1 phải đầu tư hệ thống kiểm soát rủi ro”, ông Tống nói.
Cũng theo ông Tống, khi mảng Youtube phát triển quá mạnh, thì MCN có vấn đề. MCN cho phép đưa thêm các đối tác vào hệ thống. Việc gặp sự cố đó cũng là bài học tốt khi YEG muốn phát triển mảng Youtube xa hơn, phải nhìn thấy rủi ro như thế nào nên sự cố MCN giúp YEG nhìn thấy những rủi ro mà trước đây chưa gặp phải.
Hiện YEG vẫn đang tích cực đàm phán với Youtube, nhưng vẫn phải khai thác những mảng khác của YEG để khai thác hết giá trị hệ sinh thái của YEG.
Về việc chia cổ tức, ông Tống trả lời, hiện nay, Công ty phải mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh giá trị cổ phiếu đi xuống. Điều này Yeah 1 không muốn chút nào, vì sẽ phải chia sẻ nguồn lực trong bối cảnh công ty phát triển nhanh. Việc chia cổ phiếu hay cổ tức sẽ nằm vào khoản này. Sau này, nếu giá cổ phiếu tốt hơn có thể bán cổ phiếu quỹ để thu tiền về và có được lợi nhuận từ khoản này.
Ông Tống cũng thừa nhận sự cố với Youtube ảnh hưởng rất lớn các mảng kinh doanh khác.
“Sau vài năm lùi về, vừa qua tôi phải trực tiếp đi bán hàng. Các đối tác lo ngại YEG có vấn đề gì không. Bài học mà Youtube dành cho YEG là bài học phải trả chi phí lớn. Chưa năm nào mà YEG đặt kế hoạch thấp như năm nay. Các năm trước đều tăng trưởng 50-60%, năm nay chỉ tăng trưởng có 10%. Tôi xin phép cổ đông chậm lại một năm để đổ bê tông nền tảng và với lợi thế của mình trong ngành sáng tạo, YEG sẽ sớm quay trở lại đường đua”, ông Tống chia sẻ.
Về khoản đầu tư vào ScaleLab, ông Tống cho biết, việc bán lại vốn cho cổ đông của ScaeLab là để bảo toàn vốn cho YEG, bước tiếp theo là thu hồi vốn lại. YEG đã đàm phán với các cổ đông bên ScaleLab để thu hồi vốn và “biết đâu có tiền lời”.