Yeah 1 chưa đạt thỏa thuận mới với Youtube
Ngày 11/3, theo cam kết, Yeah1 Network đã cập nhật đến hơn 1.000 đối tác là các chủ kênh Youtube mà Yeah 1 đang quản lý, kết quả làm việc với Youtube rằng “Chưa đi đến được thỏa thuận mới” cho việc tiếp tục thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA). Như vậy, kịch bản xấu nhất là Youtube sẽ chấm dứt thỏa thuận này với Yeah1 sau 31/3/2019, đúng như thông báo ban đầu.
Yeah1 thông báo sẵn sàng hỗ trợ các đối tác chuẩn bị các phương án tốt nhất cho tình huống này. Thực tế, các kênh nào đủ điều kiện có thể sẽ chuyển sang hợp tác với các mạng đa kênh (MCN) khác hoặc có thể trực tiếp làm việc với Youtube.
Về phần mình, Yeah1 đã hành động để giới hạn rủi ro cho tình huống xấu nhất. Đó là việc Công ty bán ngay MCN ScaleLab tại Mỹ, công ty mà Yeah 1 đã mua hồi đầu năm nay. Lý do là khi bị dừng thỏa thuận CHSA, Yeah 1 phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào ScaleLab, do công ty này hoạt động chủ yếu làm MCN cho Youtube.
Theo cấu trúc thương vụ mua lại, ScaleLab được định giá 20 triệu USD nhưng Yeah 1 chỉ trả cho các cổ đông sáng lập của ScaleLab 12 triệu USD tiền mặt, còn 8 triệu USD trả trong vòng 2 năm sau. Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah 1 từng cho biết, lý do các cổ đông SaLeLab chịu bán Công ty là có tiền để phát triển một starup khác của họ.
Vì thế, không khó hiểu khi Yeah1 nhanh chóng đạt được thỏa thuận bán lại 100% phần vốn tại ScaleLab trong sáng ngày 11/3 với đúng giá 12 triệu USD cho chủ sở hữu ban đầu, gồm người sáng lập David E. Brenner và Brenner Pass Investment Corp. Thỏa thuận đạt được chỉ 3 ngày sau khi Yeah1 có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc bán khoản đầu tư này.
Về phía ScaleLab, khả năng đạt được thỏa thuận CHSA mới với Youtube là khả thi hơn, khi ở trong Yeah 1, Tập đoàn còn sở hữu mạng đa kênh Yeah 1 Network và đầu tư tài chính sở hữu 17% vào MCN Spring Me (Thái Lan). Trước đó, châm ngòi cho sự cố với Yeah1 là những vi phạm ở MCN SpringMe.
Nếu các cổ đông của ScaleLab không mua lại khoản đầu tư thì coi như họ chấp nhận mất 8 triệu USD còn lại và ScaleLab sẽ dừng hoạt động trong tình huống Yeah1 không đạt được thỏa thuận mới với Youtube, hoặc Yeah1 bán ScaleLab cho một bên thứ ba.
Với Yeah 1, việc bán ScaleLab coi như đã giới hạn được rủi ro cho cổ đông. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, Yeah1 sẽ chỉ bị ảnh hưởng đến 12,9% lợi nhuận từ hoạt động MCN.
Năm 2018, tổng doanh thu từ Youtube MCN là 309 tỷ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh Youtube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba. Biên lợi nhuận từ các kênh tự sở hữu (trên 50%) cao hơn đáng kể so với các kênh của bên thứ ba (khoảng 8%).
Do đó, lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh Youtube của bên thứ ba là khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Yeah1.
Nguy cơ chuỗi giá trị bị đứt gẫy
Mất hoạt động MCN, Yeah 1 Network còn lại gì?
Liên quan đến Youtube Yeah 1 vẫn tiếp tục bán hàng trực tiếp (Direct Sales) với phần lớn doanh thu đến từ đánh giá được tài trợ (trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video), hợp tác B2B trong sản xuất nội dung. Việc bán quảng cáo chủ yếu là thỏa thuận giữa chủ kênh Youtube và các nhãn hàng.
Yeah 1 Netword vẫn tiếp tục quản lý các kênh Youtube tự sở hữu. Việc quản lý các kênh tự sở hữu mang lại biên lợi nhuận 50 - 70% so với quản lý các kênh của đối tác trung bình biên lợi nhuận chỉ khoảng 8%.
Chiến lược của Yeah 1 ngay từ đầu là hợp tác sở hữu nội dung số để gia tăng lợi nhuận, như việc hợp tác với hãng phim nước ngoài để mua bản quyền nội dung phát hành, mua công ty hoạt hình để sở hữu phim hoạt hình nổi tiếng cho trẻ em, thành lập ban nhạc trẻ theo mô hình Nhật Bản…
Về mặt lý thuyết, Yeah 1 có thể tăng cường các hoạt động khác để bù đắp lợi nhuận hụt do mất mảng MCN. Tuy nhiên, nếu không đạt thỏa thuận với Youtube thì Yeah 1 mất luôn hoạt động MCN, tức có thể sẽ trở về xuất phát điểm còn thấp hơn thời điểm mua ScaleLab để vươn lên vị thế là MCN lớn thứ 3 thế giới với khát vọng trở thành người dẫn đầu.
Nếu là mạng lưới MCN lớn, Yeah 1 có nhiều lợi thế như ông Đào Phúc Trí, CEO Yeah 1 đã từng chia sẻ: ”Hơn 70% doanh thu của Yeah 1 Network tới từ việc phân phối nội dung tại các khu vực và lãnh thổ ngoài Việt Nam.
Khi sở hữu trong tay một hệ thống đủ lớn với hơn 3.000 kênh và 7 tỷ lượt xem hàng tháng, số liệu (big data) mà chúng tôi nắm trong tay đủ để chúng tôi phân tích, đưa ra chiến lược tiếp cận, lựa chọn nội dung phù hợp với từng thị trường”.
Tuy nhiên, Yeah 1 đang đứng trước nguy cơ sẽ không còn lợi thế này. Các hoạt động phát hành nội dung số do Yeah 1 sở hữu sẽ gặp khó khăn hơn. Hay nhìn một cách khác, chuỗi giá trị mà Yeah 1 vừa xây dựng xong đã bị đứt gãy.
Cổ đông của Yeah 1 chỉ có thể hy vọng, đạt được thỏa thuận mới với Youtube trong tương lai xa hơn hoặc mua lại một MCN khác sau này. Tuy nhiên, sau sự cố này, Yeah 1 sẽ phải đánh giá lại rủi ro khi xây dựng chiến lược phát triển trong tương lai. Còn nhà đầu tư, cổ đông Yeah 1 cũng có bài học cho riêng mình khi đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ.
Thành viên Hội đồng quản trị Yeah 1, ông Hoàng Đức Trung và Công ty Quản lý quỹ VinaCapital vừa ra thông báo đăng ký mua tổng cộng 300.000 cổ phiếu YEG. Động thái mua trong thời điểm giá rơi thẳng đứng cho thấy, lãnh đạo Công ty và cổ đông lớn cố gắng giảm bớt đà rơi của thị giá trên sàn. Tuy nhiên, điều cổ đông đại chúng và nhà đầu tư chờ đợi hơn cả là Yeah 1 tìm ra một phương án xử lý khó khăn hiện tại và củng cố chuỗi giá trị để khẳng định lại năng lực cạnh tranh.