Yeah 1: Lung lay niềm tin

(ĐTCK) Mã YEG của Tập đoàn Yeah 1 tiếp tục giảm sàn, lùi về dưới 200.000 đồng/cổ phiếu cho thấy, những nghi ngờ của nhà đầu tư về khả năng ứng phó với sự cố YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA) sau ngày 31/3/2019 đang bao trùm. Nghiêm trọng hơn, niềm tin của nhiều người vào tiềm năng phát triển dài hạn của một công ty phát triển mảng nội dung kỹ thuật số khi phụ thuộc quá lớn vào nền tảng Facebook và Google đang bị lung lay.
Yeah 1: Lung lay niềm tin

Vạ lây từ Spring Me

Sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng, SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, do Yeah 1 sở hữu 16,93% vốn) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube sẽ chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con, công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah 1, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Năm 2018, Yeah 1 đầu tư vào Spring Me (Thái Lan), nhưng mới dừng ở mức “đầu tư tài chính” khi sở hữu 16,93% của mạng lưới đa kênh (MCN) này. Trong khi đó, các thương vụ M&A thực hiện gần đây đều là mua lại 100% vốn như mua ScaleLab (Mỹ), hay mua TMG Thái Lan đầu năm 2019.

Trước rắc rối với YouTube, lãnh đạo Yeah 1 cho biết, Công ty sẽ làm việc với Youtube để làm rõ về hoạt động quản lý kênh của 2 công ty con trực tiếp là Yeah1 Network và ScaleLab hiện tại vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của họ. Về những vi phạm trong việc quản lý kênh xảy ra tại SpringMe LLC,  Yeah 1 sẽ làm việc để hai bên nắm được chính xác vấn đề, làm cơ sở cho những lần trao đổi tiếp theo.

Với cách làm này, kỳ vọng rằng Yeah 1 sẽ khắc phục được phần nào sự cố, có thể tiếp tục Thỏa thuận lưu trữ nội dung với Youtube cho Yeah1 Network và ScaleLab. Với SpringMe Pte. Ltd, mạng đa kênh mà Yeah 1 mới dừng ở mức độ đầu tư tài chính, thì chắc sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, CEO Yeah1 Network, thành viên Ban Giám đốc Tập đoàn Yeah 1 cho biết, Yeah 1 luôn tuân thủ pháp luật cũng như chính sách của YouTube, nhưng thực tế, khi làm việc với YouTube, Yeah 1 hay các MCN khác luôn phải cập nhật để thích nghi với những quy định mới thay đổi liên tục của YouTube.

Trong đó, những lỗi vi phạm phổ biến mà tất cả các mạng lưới đa kênh lớn trên thế giới đều mắc phải khi hợp tác với YouTube, chẳng hạn: Không tuân thủ các chính sách của YouTube dẫn đến tình trạng kênh bị chấm dứt hoặc tắt tính năng kiếm tiền; bị cảnh cáo vi phạm bản quyền quá giới hạn cho phép; tỷ lệ chấp nhận lời mời liên kết kênh thấp hơn ngưỡng quy định; lạm dụng Content ID để xác nhận quyền sở hữu nội dung không hợp lệ; lạm dụng các tính năng để gây xáo trộn hệ thống, hoặc quy trình có sẵn của YouTube…

“Dù hết sức nỗ lực, nhưng trong hoạt động điều hành, các MCN trên toàn thế giới nói chung và Network lớn nói riêng như Yeah1 cũng không tránh khỏi sai sót. Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ để tiếp tục nỗ lực hỗ trợ phát triển cộng đồng YouTube lành mạnh và đoàn kết tại Việt Nam”, ông Hưng nói.

Trên truyền thông, trong cộng đồng YouTube đã có thông tin chỉ đích danh SpringMe vi phạm chính sách của YouTube, đặc biệt là việc SpringMe cung cấp dịch vụ “bật kiếm tiền”, tức đẩy các kênh YouTube có nội dung bẩn, không lành mạnh, sớm đạt chuẩn để được xét duyệt kiếm tiền từ YouTube.

Với số vốn góp 16,93%, Yeah 1 đang bị quy kết đứng đằng sau những sai phạm của SpringMe. Dưới góc độ tài chính, có thể thấy, khoản đầu tư vào SpringMe của Yeah 1 có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với mức mua và sở hữu 100% vốn của mạng lưới đa kênh ScaleLab hay TMG Thái Lan (từ Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện Thoughtful Media Group).

SpringMe cung cấp dịch vụ “bật kiếm tiền”, tức đẩy các kênh YouTube có nội dung bẩn, không lành mạnh, sớm đạt chuẩn để được xét duyệt kiếm tiền từ YouTube.   

Các thương vụ này đều được giải ngân vốn theo phương thức giống nhau, đó là sau khi Yeah 1 giải ngân thì đội ngũ nhân sự còn lại phải thực hiện được chỉ tiêu KPI trong các năm tiếp theo mới nhận được tối đa khoản tiền mua.

Chẳng hạn, thương vụ mua ScaleLab trị giá 20 triệu USD, nhưng các cổ đông của ScaleLab chỉ nhận ngay 12 triệu USD, còn các thành viên sáng lập và Ban Giám đốc nếu đạt được các chỉ số KPI trong vòng 2 năm thì sẽ nhận được tối đa 8 triệu USD nữa. Yeah 1 trả giá 1,55 triệu USD (gần 36 tỷ đồng) và quyền mua cổ phần để mua TMG Thái Lan sở hữu 580 kênh trên YouTube. Trong thương vụ này, đương nhiên cũng có điều kiện về KPI để giải ngân hết khoản tiền và cổ phiếu thưởng này.

Tương tự, với SpringMe, theo giới phân tích tài chính, năm 2018, Yeah 1 mới ở bước đầu của việc mua lại khi giữ 16,93% vốn. Với mức sở hữu này, việc quy kết Yeah 1 đứng đằng sau các sai phạm của Spring Me liệu có hợp lý? Dù giới phân tích có ủng hộ hay không với Yeah 1 thì sự cố từ Spring Me cũng cho thấy, Công ty đang phải học bài học trong kiểm soát rủi ro các thương vụ mua lại. Cần có sự tương đồng, đảm bảo nhất quán về nguyên tắc kinh doanh giữa các thành viên mới gia nhập Yeah 1 trong thực hiện chính sách của đối tác.

Mô hình kinh doanh của Yeah 1 quá rủi ro?

Trong Bản cáo bạch niêm yết hồi tháng 6/2018, Yeah 1 nêu rõ rủi ro về thay đổi chính sách của các nền tảng kỹ thuật số: Việc Công ty là đối tác của 2 nền tảng kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay là Facebook và Google hỗ trợ rất lớn cho kế hoạch phát triển nhanh chóng ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào hai nền tảng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của Công ty khi chính sách của các công ty lớn trên có sự thay đổi trọng yếu.

Khi sự cố với Youtube xảy ra, thị trường không thiếu những nghi ngờ về sự thiếu bền vững, rủi ro cao của một công ty phát triển trên nền tảng Facebook và Google như Yeah 1.

Trước khi lên sàn niêm yết, Chủ tịch Yeah 1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chia sẻ với báo giới rằng, trước đây, các công ty công nghệ cũng như Yeah 1 đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các Platform (tạm gọi là nền tảng công nghệ).

Nhưng tạo ra một Platform như Google, Facebook thực sự tốn rất nhiều tiền và công sức. Yeah 1 chọn giải pháp hợp tác với những "người khổng lồ" để cùng họ đi ra bên ngoài thế giới. Hiện tại, đối tác của Yeah 1 không chỉ là Google, Facebook, mà còn là Universal…

Công nghệ sẽ tạo ra những giá trị gia tăng cực kỳ lớn. Một số nội dung mà Yeah 1 tạo ra có thể bán trên toàn thế giới thông qua nền tảng kỹ thuật số. Hiện tại, 70% doanh thu của Yeah 1 đến từ thị trường nước ngoài, chỉ có 30% là ở thị trường Việt Nam.

Trở lại xuất phát ban đầu, Yeah 1 thành lâp năm 2006, là trang web yeah1.com với số lượng thành viên 40.000 người,  2 năm sau trở thành cộng đồng mạng lớn nhất Việt Nam với 400.000 người. Yeah 1 bắt đầu thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư để làm Yeah1 TV nhằm mang cộng đồng online sang xem truyền hình với khát vọng có doanh thu quảng cáo.

Năm 2008, Yeah1 TV ra đời, sau 2 năm đã có lợi nhuận. Trên đà đó, năm 2010, Yeah 1 đã cho ra đời Yeah1 Family và iMove. Từ năm 2010 đến 2015 là thời điểm đỉnh cao của truyền hình cáp.

Trong 5 năm đó, Yeah 1 đã thu được nguồn lợi nhuận lớn và dùng cho việc tái đầu tư. Đầu tiên, Yeah 1 sử dụng YouTube để đăng các nội dung trên truyền hình. Khi YouTube để ý đến thị trường Việt Nam, nhận thấy Yeah 1 có những kênh YouTube trên 1 triệu lượt Subscribe và nhiều người truy cập, YouTube đã có lời mời Yeah 1 trở thành YouTube MCN. Sau khi nhận được chứng nhận YouTube MCN, năm 2016, Yeah 1 là kênh MCN số 1 ở Việt Nam.

Chiến lược của Yeah 1 là phát triển thành kênh MCN hàng đầu thế giới và đẩy mạnh việc sở hữu nội dung bằng việc mua lại các công ty sản xuất phim hoạt hình, hợp tác với nhà sản xuất lớn như TVB (Hồng Kông), Nickelodeon (Mỹ)… phát nội dung trên kênh số để tăng tỷ suất lợi nhuận.

Hiện câu chuyện của Yeah 1 với YouTube phải chờ đến ngày 11/3/2019 mới có thêm thông tin cập nhật về kết quả làm việc giữa hai bên. Nhưng trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một quỹ đầu tư cho rằng, trong bài toán kinh doanh của Yeah 1, nếu các đối tác như YouTube (Google) hay Facebook là bên nắm “sinh mệnh” của Công ty thì có lẽ sự phát triển của Yeah 1 thật chênh vênh.

Theo vị này, Facebook hay Youtube là những doanh nghiệp tri giá hàng tỷ USD, muốn thành công họ phải tạo ra sân chơi mà ở đó các đối tác của họ phải thành công nếu tuân thủ theo luật chơi, chứ không phải có họ có quyền quyết định sự tham gia hay không tham gia vào hệ thống của đối tác một cách tùy tiện.

“Tôi cho rằng, YouTube đang gặp sức ép lớn từ các khách hàng quảng cáo về chất lượng nội dung tải lên, nên họ muốn gây sức ép lên đối tác để công tác kiểm duyệt nội dung được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp quảng cáo”, vị này nói.

Cổ đông lớn của Yeah 1 bên cạnh một số cá nhân như ông Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (sở hữu 37% vốn), còn có Ancla Asset Limited sở hữu 11,19% vốn; DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd. sở hữu 7% vốn và Macquarie Bank Limited OBU sở hữu 4,98% vốn.

YouTube AdSense góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah 1

Chia sẻ trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM và nhà đầu tư, Chủ tịch Yeah 1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã có những hành động ngay lập tức để làm rõ thêm với YouTube về bản chất hoạt động, uy tín của Tập đoàn, cũng như từng đơn vị độc lập trực thuộc Tập đoàn. Đồng thời, Ban lãnh đạo Tập đoàn cũng chủ động thúc đẩy các mảng kinh doanh khác để đảm bảo chiến lược phát triển chung.

Năm 2018, mảng kinh doanh YouTube AdSense đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah 1, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế của toàn Tập đoàn. Các hoạt động kinh doanh khác của Yeah 1 vẫn phát triển theo kế hoạch.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục