Gian nan “cá chép hóa rồng“

(ĐTCK) Câu chuyện đứt gánh giữa Ba Huân - một doanh nghiệp đi lên từ công ty gia đình, với Quỹ đầu tư VinaCapital cho thấy, hành trình thay đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần, rồi xa hơn là công ty đại chúng, là một quá trình gian nan.
Gian nan “cá chép hóa rồng“

Sau khi nhận vốn đầu tư từ VinaCapital được khoảng nửa năm, Ba Huân đề nghị chấm dứt hợp tác, thậm chí cầu cứu để được chia tay vì cho rằng, thỏa thuận hợp tác (bằng tiếng Anh) có nội dung không đúng như trao đổi ban đầu của hai bên, khiến quyền và lợi ích của Công ty bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, rất có thể, “cô gái thôn quê” này đã không hình dung hết áp lực khi về làm dâu “tư bản thành thị”. Thực tế, tại nhiều thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư ngoại cho thấy, sự khác biệt về ứng xử, văn hóa quản trị là cú sốc mà không phải người chủ doanh nghiệp nào cũng có thể chấp nhận.

Thay đổi lớn trước tiên là người chủ doanh nghiệp sẽ đảm nhận thêm một vai trò là người làm thuê trong chính doanh nghiệp của mình khi có cổ đông lớn tham gia.

Trong khi đó, cổ đông lớn là định chế tài chính chuyên nghiệp luôn có xu hướng thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn bằng cách tạo ra áp lực cho người điều hành công ty.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah 1 (YEG) chia sẻ, 10 năm trước, Công ty nhận khoản vốn đầu tư 1,6 triệu USD của VinaCapital. Áp lực lớn nhất khi nhận vốn đầu tư là chỉ tiêu KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc).

Nhưng chính sức ép này đã giúp YEG phát triển và trở thành công ty đại chúng với thương vụ phát hành vừa qua có giá rất cao, thu về hơn 1.000 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Phương thức đầu tư của VinaCapital đã được YEG áp dụng khi đem tiền đi đầu tư vào các công ty khác.

Ba Huân là trường hợp khá đặc biệt khi mà phản ứng “sốc phản vệ” xảy ra ngay tức thì và phản ứng của công ty này đúng với bản chất “cô gái thôn quê”.

Ở nhiều công ty khác, chủ doanh nghiệp ban đầu vì lợi ích kinh tế có thể nín nhịn quỹ đầu tư, nhưng sau đó, chính sự không chịu thay đổi của những người chủ khiến các quỹ phải rút lui. Khoản đầu tư đó coi như thất bại, nếu không mất vốn đã là may mắn.

Trên sàn chứng khoán hiện nay, có không ít doanh nghiệp nhận vốn đầu tư của VinaCapital khi cổ phần hóa, chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần trước khi đại chúng hóa để niêm yết, nhưng một số doanh nghiệp vẫn quản trị theo phong cách gia đình.

Một ví dụ điển hình là Quốc Cường Gia Lai, Quỹ buộc phải rời bỏ công ty này. Cho đến nay, sau nhiều năm niêm yết, giá cổ phiếu QCG vẫn dưới mệnh giá.

Nhìn vào các doanh nghiệp thành công có một điểm chung là những người lãnh đạo doanh nghiệp thường chấp nhận KPI và coi đó động lực để phát triển.

Chẳng hạn, tại Vinamilk, các cổ đông lớn cho biết, thị giá cổ phiếu tăng trong năm là một tiêu chí để xét thưởng cho Ban lãnh đạo, bên cạnh các chỉ tiêu cơ bản khác.

Hay tại Coteccons, phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ chủ chốt luôn căn cứ vào khả năng hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh theo từng cấp độ…

Xét thực tế thị trường thì đứt duyên với Ba Huân có thể là một may mắn của VinaCapital. Ðồng vốn của quỹ này có thể tìm đến những cơ hội khác khả thi hơn, nơi mà các cổ đông sáng lập sẵn sàng hơn để thay đổi, hướng đến các thông lệ quản trị tiên tiến.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục