Chiến lược này được đưa ra sau một cuộc họp hôm qua và là một phần kế hoạch ngăn họ chìm sâu vào các scandal đã gây thiệt hại đáng kể từ năm 2012.
Năm ngoái, hãng lỗ ròng 1,4 tỷ euro (1,48 tỷ USD). Còn từ năm 2012, họ đã phải chấp nhận trả 15 tỷ euro tiền phạt cho giới chức các nước.
Tháng 12 năm ngoái, Deutsche Bank đã đồng ý trả 7,2 tỷ USD cho giới chức Mỹ để dàn xếp vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản cố định (MBS). Hoạt động bán MBS của các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc châm ngòi khủng hoảng 2008.
Deutsche Bank muốn huy động 8 tỷ euro bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới. Họ cũng sẽ bán một phần mảng quản lý tài sản và giữ lại Postbank - mảng ngân hàng bán lẻ trước đây định bán đi. Deutsche sẽ được cấu trúc lại thành 3 mảng: ngân hàng cá nhân và quản lý tài sản; quản lý tài sản; ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp. Nhà băng sẽ phát hành quyền chọn cổ phiếu vào ngày 20/3.
Peter Hahn tại Viện Ngân hàng và Tài chính London nhận xét: “Triển vọng ngân hàng này đã sáng sủa hơn nhiều trong vài tháng gần đây”, ông cho biết. Cổ phiếu ngân hàng này đã tăng 44% trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi quanh việc liệu nhà đầu tư “có đổ tiền vào đây lần nữa hay không”.
Deutsche Bank cũng sẽ đưa Giám đốc Tài chính - Marcus Schenck và Giám đốc mảng ngân hàng bán lẻ - Christian Sewing lên nhậm chức Phó giám đốc dưới quyền CEO John Cryan. Họ cũng thay đổi nhân sự cấp cao nhiều mảng khác.
Nhà băng này muốn giảm chi phí từ 24,1 tỷ euro xuống 22 tỷ euro năm 2018. Họ cũng muốn khôi phục lại “mức trả cổ tức có khả năng cạnh tranh” cho các cổ đông.