Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Deutsche Bank có hành vi vi phạm pháp luật với các giao dịch chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007. Vụ việc này là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trên thực tế, mức phạt ước tính 14 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra được xem như một đòn trả đũa Liên minh châu Âu (EU), sau khi EU hồi đầu năm nay tuyên b ốsẽ truy thu gã khổng lồ công nghệ Apple của Mỹ hơn 14,5 tỷ USD tiền nợ thuế.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng lớn nhất nước Đức cho biết, khoản phạt mà chính phủ Mỹ yêu cầu có thể chỉ là động thái đầu tiên trong chuỗi sự việc rắc rối lâu dài. Hồi giữa tháng 9, người phát ngôn Deutsche Bank phát biểu: “Deutsche Bank không có ý định trích nộp phạt gần với mức trên. Quá trình đàm phán chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi kỳ vọng rằng, quá trình này sẽ dẫn tới kết quả là một mức phạt thấp hơn, ngang hàng với các ngân hàng khác”.
Những lo ngại về khoản tiền “khủng” mà Deutsche Bank phải trả cho phía Mỹ đã kéo cổ phiếu này xuống mức thấp kỷ lục, giảm hơn 8% đầu ngày 30/9, sau khi báo cáo cho thấy 10 khách hàng quỹ đầu tư đang giảm giao dịch với ngân hàng. Trước đó, Deutsche Bank cũng đã phải chi tới 6,2 tỷ USD để giải quyết các vụ kiện cuối tháng 6, trong đó, đáng chú ý là vụ rửa tiền tại Nga mà các nhà phân tích của Barclays Plc ước tính khoản tiền phạt lên tới 2,2 tỷ USD.
Theo tổng hợp của Bloomberg, kể từ năm 2008, Deutsche Bank đã phải nộp hơn 9 tỷ USD các khoản tiền phạt. Cộng thêm khoản phạt mới nhất này, áp lực của CEO John Cryan càng lớn hơn.
Đã có những lo ngại rằng Deutsche Bank sẽ phải tăng vốn lên sau khi Bộ Tư Pháp đưa ra mức phạt. Những lo lắng đầu tiên về Deutsche Bank đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay, sau khi một số nhà đầu tư công khai nêu ra những quan ngại về việc hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực năng lượng và có nguy cơ thiếu tiền mặt.
Trong suốt ba tuần qua, CEO John Cryan đã tìm mọi cách để trấn an các nhà đầu tư rằng Deutsche Bank có thể vượt qua những khó khăn tài chính hiện nay. Ngân hàng này đã có cuộc nói chuyện không chính thức với các công ty tại Phố Wall để tìm ra giải pháp cho vấn đề chi phí pháp lý. Một trong những khả năng có thể xảy ra là ngân hàng này sẽ bán cổ phiếu để huy động khoảng 5,6 tỷ USD. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, một gia đình hoàng gia ở Qatar đang lên kế hoạch nâng cổ phần tại Deutsche Bank lên 25%.
Deutsche là ngân hàng lớn nhất nước Đức tính đến thời điểm này, với khối tài sản trên sổ sách được định giá khoảng 2.000 tỷ USD. Số tiền trên tương đương hơn một nửa kích thước nền kinh tế Đức. Theo CEO Stefan Müller của công ty nghiên cứu DGAW, chính phủ Đức sẽ không giúp đỡ chi trả khoản phạt của Deutsche Bank, nhưng sẽ đảm bảo để ngân hàng này không sụp đổ. Trong khi đó, giám đốc đầu tư Markus Stadlmann của Lloyds Private Banking nhận định rằng, Deutsche Bank vẫn là một thương hiệu rất mạnh trên thị trường và CEO John Cryan hoàn toàn có khả năng xoay chuyển tình thế.
Tháng 7 năm ngoái, John Cryan được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Deutsche Bank trong bối cảnh ngân hàng này liên tục không đạt chỉ tiêu tài chính đặt ra và phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện tụng tốn kém hàng tỉ USD khiến cho lợi nhuận bị bào mòn. Ingo Speich, 1 trong 20 cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank, cho rằng việc chỉ định John Cryan là có lý, bởi Cryan đã là thành viên ban giám sát kể từ năm 2013, biết rõ về nội tình Ngân hàng, những định hướng chiến lược, các cuộc điều tra đang diễn ra, đồng thời lại không có dính dáng gì đến những vụ kiện tụng.
Hiện CEO John Cryan đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ cần phải xử lý để đại tu ngân hàng này và vực dậy giá cổ phiếu. Dù cổ phiếu của Deutsche Bank đã có những thời điểm tăng trở lại, sau khi các khách hàng lớn và thậm chí là các ngân hàng đối thủ đều lên tiếng ủng hộ Deutsche Bank, nhưng diễn biến chung từ đầu năm nay vẫn theo đà đi xuống. Rõ ràng, vị CEO 55 tuổi còn phải thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để trấn an các nhà đầu tư.