Deutsche Bank lao đao vì khoản tiền phạt 14 tỷ USD

(ĐTCK) Cổ phiếu của Deutsche Bank AG và các trái phiếu của hãng giảm mạnh nhất kể từ sau sự kiện Brexit khi nhà băng này đối diện với mức án phạt 14 tỷ USD vì bán chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp.
Deutsche Bank lao đao vì khoản tiền phạt 14 tỷ USD

Cổ phiếu Deutsche Bank giảm 8,8%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ 27/6 tại Frankfurt. Không riêng Deutsche Bank, một số ngân hàng lớn khác thuộc diện điều tra cũng chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm. Theo đó, cổ phiếu UBS Group AG giảm 2,9%; Credit Suisse Group AG giảm 5,2%; Royal Bank of Scotland Group Plc giảm 4,5% trong khi Barclays Plc giảm 2,8%.

Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Deutsche bank phải trả khoản tiền phạt 14 tỷ USD vì các cáo buộc liên quan tới bán chứng khoán có tài sản thế chấp. Rõ ràng, nhà băng này không có ý định trả toàn bộ số tiền phạt.

Người phát ngôn Deutsche Bank cuối tuần trước tại Frankfurt cho biết: “Deutsche Bank không có ý định thiết lập mức nộp phạt ở gần với con số trên. Qúa trình thảo luận mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi kỳ vọng rằng, quá trình này sẽ dẫn tới kết quả là một mức phạt ngang hàng với các nhà băng khác, vốn đang có mức phạt thấp hơn nhiều”.

CEO Deutsche Bank John Cryan, 55 tuổi, đang nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này bằng cách bán đi các tài sản rủi ro, tinh giảm nhân sự, đồng thời đối diện với mối lo ngại về việc buộc phải tăng vốn. Kể từ đầu năm 2008, theo tổng hợp của Bloomberg, Deutsche Bank đã phải nộp hơn 9 tỷ USD các khoản tiền phạt. Cộng thêm số tiền phạt mới nhất này, áp lực của John Cryan càng lớn hơn.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cho biết, chính phủ Đức kỳ vọng một kết quả hợp lý trong vụ việc diễn ra tại Mỹ này. Trước đó, với trường hợp tương tự, Bank of America Corp đã phải trả số tiền phạt 17 tỷ USD năm 2014. Đầu năm nay, Goldman Sachs Group Inc đã đồng ý trả 5,1 tỷ USD tiền phạt để giải quyết vụ điều tra vì đã thất bại trong việc định giá chính xác chứng khoán có tài sản thế chấp trước khi bán ra cho nhà đầu tư.

Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp là loại chứng khoán được phát hành dựa trên cơ sở một hoặc một nhóm các khoản thế chấp. Về bản chất, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp là một loại trái phiếu. Thay vì, trả cho nhà đầu tư một khoản trái tức cố định và tiền gốc, thì người phát hành chứng khoán thanh toán bằng dòng tiền phát sinh từ những khoản thế chấp được dùng để đảm bảo cho số chứng khoán đó. Dạng đơn giản nhất của chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp là kiểu "sang tay thế chấp", trong đó tất cả số tiền gốc và lãi thanh toán hàng tháng (sau khi đã trừ đi phí dịch vụ) trong một hợp đồng thế chấp sẽ được "sang tay" cho nhà đầu tư.

Đối với loại chứng khoán này, vai trò của ngân hàng chỉ là người trung gian, thu phí để cung cấp dịch vụ chứ hoàn toàn không phải gánh chịu rủi ro nào. Ngân hàng đóng vai trò làm người đại diện cho công ty đi vay để phát hành chứng khoán, thanh toán định kì cho người nắm giữ chứng khoán và tiến hành các thủ tục khác cho công ty đó. Phí mà ngân hàng được hưởng được khấu trừ từ chính tiền lãi mà nhà đầu tư được hưởng, ví dụ: lãi suất cho vay thế chấp đúng ra là 12,5%/năm, và mức phí ngân hàng thu là 0,5%/năm, thì lãi suất mà nhà đầu tư được hưởng sẽ còn 12%/năm.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục