Đề nghị xem xét cho thông quan doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký hợp đồng trước ngày 24/03

(ĐTCK) Tại buổi họp giữa Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan với  các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại TP.HCM chiều 26/3, đại diện Sở Công thương Cần Thơ kiến nghị, cần  phải có lộ trình thực hiện quyết định này chứ không thể cấm xuất ngay, vì  làm như vậy thì rất khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Ảnh TTXVN Ảnh TTXVN

Theo đại diện Sở Công thương Cần Thơ, Cần Thơ đang có 4 doanh nghiệp đang chở hàng hoá và đóng container tại cảng Cát Lái, Cái Mép, TP.HCM với tổng lượng khoảng 10.000 tấn. Không thông quan được thì vấn đề tồn kho, uy tín với khách hàng.

“Quyết định này quá nhanh thì không có doanh nghiệp nào trở tay kịp để thực hiện giảm bớt thiệt hại”, đại diện Sở Công thương Cần Thơ cho biết.

Theo ông này, nếu trường hợp quyết định ngưng, tạm ngưng, giảm lượng xuất khẩu phải đưa ra lộ tình, khoảng từ 15 - 20 hoặc 1 tháng để doanh nghiệp cân đối, trao đổi, tính toán.

Ngoài ra, đánh giá về tình hình lúa, gạo trong dân, trong doanh nghiệp thì đến nay, số doanh nghiệp còn giữ gạo chưa bán ra tại Cần Thơ rất lớn, mỗi doanh nghiệp có từ 10.000 - 20.000 tấn. Doanh nghiệp đang ôm số này và chịu lãi suất ngân hàng. Nếu không cho bán ra sẽ dẫn đến việc chịu không nổi lãi suất ngân hàng.

Đại diện Sở công thương Cần Thơ đề nghị, Bộ Công thương chỉ đạo mỗi doanh nghiệp có thể dự trữ 5.000 tấn, số lượng còn lại bán ra để cân đối tiền vay ngân hàng, giải quyết dòng tiền luân chuyển mua lúa gạo từ người dân. Việc cấm ngang như thế khiến giá lúa tụt ngay và ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch vụ tiếp theo, cũng như công ăn việc làm của rất nhiều người trong chuỗi giá trị này.

Chính vì thế, đề nghị xem xét doanh nghiệp đã ký hợp đồng rồi, trước ngày 24/3 thì phải giải quyết cho thông quan. Còn chưa ký hợp đồng thì dãn ra, tính toán và cân nhắc giữa các ngành.

Đề xuất tiếp tục cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì đây là thời điểm vàng. Nếu bỏ qua thời điểm này sẽ mất tiền lời và cũng làm khó cho người dân rất lớn. Doanh nghiệp không xuất khẩu được thì không mua lúa, kéo theo đó giá giảm.

Theo Bộ Công thương, trong những tháng đầu năm 2020, diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, khó lường tới tình hình kinh tế - xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dịch bệnh đã và đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và có thể còn lan tỏa lâu dài.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu đối với một số chủng loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng nhanh trên toàn cầu. Bên cạnh nhu cầu thông thường mà các nước xuất khẩu có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu dự trữ với số lượng lớn khiến cán cân cung cầu mất cân đối cục bộ, giá cả biến động mạnh, tiềm ẩn khả năng gây ra bất ổn xã hội.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%... Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20 - 25% tùy theo chủng loại.

Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc-ta trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7% 

Trên cơ sở diễn biến tình hình sản xuất, cung cầu, thương mại gạo hiện tại, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, để bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm an ninh lương thực, Bộ Công thương đã đề xuất Thường trực Chính phủ xem xét một số phương án điều hành xuất khẩu gạo tại cuộc họp về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 23 tháng 3 năm 2020. Trong đó, có hai phương án gồm tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo; hoặc cũng có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về một số biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 5 năm 2020.

Sau khi Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Công thương nhận được ý kiến của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp.

Chính vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục