Để doanh nghiệp Nhà nước “bình mới, rượu mới”

(ĐTCK) Tại Hội thảo “Phát huy vai trò của cổ đông nhà nước trong quản trị công ty cổ phần” tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội, các chuyên gia của JICA đã chỉ ra một hiện trạng đáng lo ngại trong cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam.
Từ mùa ĐHCĐ 2016, các công ty có vốn Nhà nước do SCIC quản lý sẽ áp dụng hướng dẫn quyền biểu quyết và quy tắc quản trị DN theo hướng dẫn của OECD Từ mùa ĐHCĐ 2016, các công ty có vốn Nhà nước do SCIC quản lý sẽ áp dụng hướng dẫn quyền biểu quyết và quy tắc quản trị DN theo hướng dẫn của OECD

Thay đổi từ doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Phát huy vai trò của cổ đông nhà nước trong quản trị công ty cổ phần” tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội, các chuyên gia của JICA đã chỉ ra một hiện trạng đáng lo ngại trong cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam. Cụ thể, trong 143 DNNN đã cổ phần hóa trong năm 2014, chỉ 30 DN bán được hơn 5% vốn cho DN trong và ngoài nước, tổ chức đầu tư. Tổng số tiền bán vốn là 270 triệu USD. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa trung bình là 90%.

Trong 247 DNNN cổ phần hóa trong năm 2011-2014, chỉ có 3 DN bán hơn 5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, đều là những DN Nhật Bản (bao gồm cả công ty liên doanh trong nước). Điều này cho thấy, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước chưa có nhiều tiến triển. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là quản trị DN tại các DNNN và DNNN sau cổ phần hóa còn yếu kém.

Sau gần 1 năm làm việc với SCIC về dự án hỗ trợ cải tổ DNNN, JICA đưa ra một số khuyến nghị về SCIC, với kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình có thể đưa ra và áp dụng các thông lệ quản trị DN tốt, để từ đó nhân rộng tại Việt Nam.

Trước hết là việc nâng cao quản trị DN cho các công ty mà SCIC đầu tư thông qua việc SCIC sẽ xây dựng “hướng dẫn biểu quyết” và xây dựng bộ quy tắc quản trị nội bộ DN và áp dụng vào các công ty đầu tư. Bên cạnh đó, SCIC cần củng cố cơ sở dữ liệu công ty đầu tư, tận dụng cơ sở dữ liệu để xây dựng chiến lược, phân tích ngành.

SCIC cần thành lập các nhóm chức năng, trong đó có nhóm chiến lược ngành với chức năng nghiên cứu ngành, nhóm chuyên trách thoái vốn với từng mục tiêu cụ thể; các nhóm chuyên trách hỗ trợ các công ty đầu tư. Đồng thời, Dự án cũng nhấn mạnh đến việc SCIC dần mở rộng các hoạt động đầu tư mới, trong đó làm rõ mục đích và đặt mục tiêu thu lãi từ các đầu tư mới; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro cho các đầu tư mới.

JICA sẽ hỗ trợ SCIC củng cố hệ thống quản trị bằng cách xây dựng chính sách biểu quyết cho nội bộ SCIC và xây dựng chính sách quản trị cho SCIC bằng cách áp dụng Hướng dẫn quản trị nội bộ DN tại các DNNN cổ phần hóa mà SCIC nắm giữ (phần lớn) vốn. Việc áp dụng những chính sách trên tại các DNNN quy mô lớn được chuyển giao cho SCIC năm 2015. Hệ thống quản trị DN của SCIC được xây dựng dựa trên hướng dẫn và nguyên tắc của OECD, nhất quán với các luật và quy định tại Việt Nam và góp phần đẩy mạnh chất lượng cổ phần hóa.

Trên thực tế, để hài hòa quyền lợi của cổ đông Nhà nước và các cổ đông khác cũng như tránh tạo ra những mâu thuẫn có thể nảy sinh, các chuyên gia chỉ ra 7 nguyên tắc xây dựng hướng dẫn biểu quyết và quy tắc quản trị DN nội bộ tại SCIC.

Đó là tôn trọng sự độc lập của HĐQT và ban giám đốc công ty đầu tư; thực hiện những trách nhiệm được ủy thác thông qua việc thực hiện quyền cổ đông với khả năng chuyên môn; đảm bảo sự công bằng về điều kiện cạnh tranh giữa các công ty được SCIC đầu tư và các công ty tư nhân. Đặc biệt là việc tránh những xung đột về lợi ích (liên quan tới vai trò giữa cổ đông Nhà nước và các chức năng khác của Nhà nước).

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần thiết tăng cường sự tương tác giữa cổ đông và người có quyền lợi cũng như việc công khai thông tin cho các nhà đầu tư tại các công ty thuộc danh mục đầu tư của SCIC.

Theo đúng kế hoạch, mùa ĐHCĐ 2016, các công ty có vốn Nhà nước do SCIC quản lý sẽ áp dụng hướng dẫn quyền biểu quyết và quy tắc quản trị DN nội bộ này. 

Sẽ góp phần thay đổi nền kinh tế

Ông Aiichiro Mogi, Giáo sư Đại học Công nghệ Kochi (Nhật Bản) cho biết, trong suốt 20 năm qua tại Nhật Bản, vấn đề quản trị DN đã được thảo luận trong bối cảnh thay đổi lớn về môi trường kinh doanh toàn cầu và thị trường vốn. “Chiến lược tái thiết Nhật Bản 2014” đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Một trong ba chiến lược cải cách chính là “phục hồi khả năng sinh lời” và tăng cường quản trị DN được xem như là một mục tiêu cấp thiết trước mắt.

Quản trị DN trong Bộ quy tắc quản trị DN Nhật Bản được hiểu là một cơ chế liên quan đến sự minh bạch, công bằng, kịp thời và ra quyết định hiệu quả của công ty với sự quan tâm đúng mực của các cổ đông và khách hàng, cán bộ nhân viên và cộng đồng, địa phương. Ngoài những quy định nhằm bảo vệ quyền và sự bình đẳng giữa các cổ đông, Nhật Bản còn đặc biệt chú ý đến việc xây dựng một khuôn khổ phù hợp cho cảnh cáo.

Như vậy, nhân viên công ty có thể báo cáo lại những hành vi trái phép, không phù hợp, công bố hoặc bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào khác mà không sợ bị đối xử bất lợi; thiết lập các đầu mối độc lập với ban quản lý. Luật lệ được hình thành nhằm đảm bảo tính bảo mật cho người cung cấp thông tin, ngăn cấm những tác động bất lợi tới họ.

Bộ quy tắc quản trị DN Nhật Bản bao gồm 73 nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại Nhật Bản. Các công ty niêm yết loại 1 và 2 của sàn chứng khoán bắt buộc phải tuân theo toàn bộ các nguyên tắc. Các công ty khác chỉ cần tuân theo các nguyên tắc chung.

Được áp dụng từ ngày 1/6/2015, bộ quy tắc này được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tới cộng đồng DN và nền kinh tế Nhật Bản. Với quan điểm không có lợi nhuận DN, không có sự tăng trưởng, cách tiếp cận này sẽ tạo nền tảng cho các chính sách tăng trưởng phát triển của Nhật Bản.

Giáo sư Mogi cũng nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ môi trường kinh doanh nào thì các tập đoàn đóng vai trò là nhà sản xuất duy nhất tạo giá trị thặng dư cho nền kinh tế thì đều cần được vận hành theo một kế hoạch cụ thể với các biện pháp cụ thể, để cho thấy sự cần thiết tồn tại của DN một cách minh bạch.  

Ông Chris Razook, Giám đốc phụ trách quản trị công ty khu vực Đông Á Thái Bình Dương của IFC

Một thông lệ quản trị DN tốt cần được lưu ý là nhiệm vụ cho từng thành viên HĐQT phải rõ ràng. Chúng tôi đã gặp nhiều tình huống thực tế, chẳng hạn khi phỏng vấn một thành viên HĐQT cao cấp của một ngân hàng nọ, ông cho rằng, mối quan tâm tối thượng của ông là thành viên HĐQT được vay vốn với những điều kiện ưu đãi cho các hoạt động kinh doanh khác của mình. Ông nói ông là một trong những khách hàng lớn nhất của ngân hàng.

Tình huống khác, một thành viên HĐQT sở hữu 30% cổ phần của công ty này cho rằng, nhiệm vụ tối thượng của ông với tư cách là thành viên HĐQT là dành cho việc duy trì và phát triển khoản đầu tư của ông ta. Hoặc một thành viên HĐQT do một bộ trưởng trong chính phủ đề cử, là cổ đông thiểu số. Bà tham dự họp một lần mỗi năm, nhưng thường xuyên bỏ phiếu bằng văn bản theo chỉ đạo của bộ.

Trong khi, theo các thông lệ tốt, thành viên HĐQT phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách cẩn trọng vì lợi ích của công ty, đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trung thành (không vụ lợi) vì lợi ích của công ty.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục