Vì sao doanh nghiệp nhà nước chưa thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, các quỹ đầu tư tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cách tốt nhất để đảm bảo chất lượng của hoạt động này trong bối cảnh hiện tại.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thưa ông, trong thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong danh sách cổ phần hóa là “món hàng nóng”. Nhưng dòng vốn từ các nhà đầu tư vào khu vực này vẫn chậm?

Nguyên do không hẳn vì bản thân DNNN, mà do thể chế. Thể chế đã tạo nên đối xử khác biệt, thực thi chính sách khác biệt nên đa phần DNNN chưa vận hành theo kinh tế thị trường, không tuân thủ quản trị theo thông lệ quốc tế.

Trong thị trường M&A, nếu món hàng chưa thực sự thị trường thì nhà đầu tư thực sự hoặc không quan tâm, hoặc rất khó tham gia.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Tôi muốn phân tích sâu hơn về những điểm khác biệt của DNNN. Các văn bản pháp luật đã loại bỏ về cơ bản quy định có đối xử khác biệt dành cho DNNN. Nhưng thực tế, còn không ít đặc quyền cho DNNN.

Nghiên cứu về DNNN và các biến dạng thị trường của CIEM công bố tháng 5/2015, đã thống kê, chỉ riêng năm 2014, có tới 22 văn bản chỉ đạo điều hành của các cơ quan có thẩm quyền về cho vay đối với DN, trong đó có tới 21 văn bản chỉ đạo cho vay đối với DNNN.

Trong khi đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 31/12/2014, khu vực DNNN nắm giữ nguồn vốn lớn, trên 4,87 triệu tỷ đồng, con số tương ứng của DN ngoài nhà nước và DN đầu tư nước ngoài là hơn 11,7 triệu tỷ đồng và 5,41 triệu tỷ đồng. Nhưng doanh thu của khu vực này lại thấp nhất, chỉ đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng, so với 3,8 triệu tỷ đồng của DN FDI và 7,1 triệu tỷ đồng DN ngoài nhà nước.

Rõ ràng, có sự phân bổ và sử dụng nguồn lực không theo tín hiệu thị trường vì vốn rơi vào khu vực sử dụng kém hiệu quả hơn. Điều này làm hao mòn tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng, nếu nói DNNN là “tội đồ” của tình trạng này thì quá nặng, vì thể chế không phù hợp đã tạo ra động lực thúc đẩy các hành vi nói trên.

Điều đáng nói là khi đó, giới đầu tư quan tâm đến DNNN chủ yếu là nhóm nhà đầu tư muốn khai thác địa tô từ sự phân bổ nguồn lực sai lệch này. Họ tìm cách đầu tư vào DNNN cổ phần hóa không phải để tạo ra lợi nhuận mà vì địa tô do thể chế tạo ra. Nói một cách hình ảnh thì như đầu tư vào nhà mặt đường.

Đó là lý do cổ phần hóa DNNN chưa thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Lý do quan trọng, theo tôi, đó là lâu nay chúng ta mới nhấn mạnh đến cổ phần hóa DNNN mà gần như chưa chú tâm đến yêu cầu song song được đưa ra trong tái cơ cấu DNNN, đó là thực hiện đầy đủ nguyên tắc thị trường, áp dụng chế độ ngân sách cứng, xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi. Nghĩa là buộc DNNN và những người có liên quan ứng xử theo tín hiệu thị trường chứ không phải theo chỉ đạo của các cơ quan quản lý.

Khi địa tô không còn, DNNN phải hoạt động giống DN khác trên thị trường. Hành vi của DNNN và những người liên quan sẽ thay đổi, đó là không đi tìm cái che chắn để bảo vệ lợi thế mà phải đối diện với cạnh tranh. Các quyết định sẽ nhằm phục vụ lợi ích cho DN, chứ không phải phục vụ cá nhân nào đó.

Tiếp sau, DNNN sẽ phải áp dụng khung khổ quản trị theo thông lệ quốc tế. Đây là luật chơi chung cho DN toàn cầu. Hiện tại, phần lớn DNNN, nhất là các DN hoạt động chủ yếu trong nội địa, không tuân thủ theo khung khổ quản trị nào.

Nếu trước khi cổ phần hóa, DNNN thực hiện hai nguyên tắc trên thì việc cổ phần hóa chỉ là bước tất yếu tiếp theo. Và cổ phần hóa sẽ theo đúng thị trường.

Theo ông làm thế nào để cổ phần hóa DNNN đi vào thực chất?

Hoặc là cổ phần hóa 100% hoặc là ở mức nhà nước không nắm giữ chi phối. Vì nếu nhà nước vẫn giữ chi phối, thì vẫn còn mối quan hệ giữa DN – nhà đầu tư và nhà nước theo hướng tìm kiếm sự những bảo trợ của nhà nước. Khi đó, sẽ xuất hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu và sẽ không thể áp dụng quản trị theo thông lệ quốc tế và áp đặt đầy đủ kỷ luật thị trường với DN này.

Để thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan này, ngoài việc nhà nước rút vốn nhiều, thì phải chọn được nhà đầu tư không dính dáng đến những mối quan hệ thân hữu. Tốt nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Để kéo được các nhà đầu tư này tham gia, món hàng là DNNN phải minh bạch. Nếu quản trị của DNNN thiếu minh bạch, thiếu ổn định, không tiên liệu được thì nhà đầu tư thực chất, nhà đầu tư chiến lược, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ không muốn tham gia.

Nhưng làm được việc này không đơn giản, vì lực níu kéo của thể chế có tính chất bao che, tạo nên sự lợi thế của DNNN vẫn rất lớn.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục