BIC muốn bán 30 - 35% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngoại

(ĐTCK) Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (HOSE: BIC) vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015.
BIC muốn bán 30 - 35% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngoại

Chia sẻ về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành riêng lẻ cổ phần mới để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, HĐQT BIC cho rằng, cần tăng quy mô phát hành từ 30 - 35%, bởi bản thân các cổ đông chiến lược cũng mong muốn sở hữu một lượng cổ phần lớn hơn để tăng mức độ cam kết, đạt được các lợi ích đáng kể từ thành quả họ gây dựng. Mặt khác, tỷ lệ 35% cũng sẽ không quá loãng lợi ích của cổ đông hiện hữu, trong khi lại giúp BIC tăng năng lực tài chính, thặng dư vốn cổ phần, gia tăng doanh thu giữ lại và lợi nhuận.

Sau đợt phát hành này, BIDV vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại BIC là 51%. Hội đồng quản trị BIC đã đề nghị ĐHCĐ ủy quyền các nội dung liên quan để chủ động thực hiện đàm phán theo nguyên tắc đảm bảo tối đa lợi ích tổng thể của BIC và các cổ đông, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

“Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là ưu tiên xem xét, nhưng không phải là mục tiêu số 1, điều quan trọng là cổ đông chiến lược phải mang lại được nhiều giá trị, năng lực cạnh tranh và phát triển đột phá cho BIC”, Chủ tịch HĐQT BIC nhấn mạnh.

Sau phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, vốn điều lệ của BIC dự kiến sẽ tăng lên trên 1.000 tỷ đồng, trở thành 1 trong 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn tự có lớn nhất trên thị trường.

Ông Tùng cho biết, hiện nay việc đàm phán về cơ bản đã gần hoàn thiện, trên cơ sở ý kiến chấp thuận ủy quyền của ĐHCĐ, BIC sẽ đẩy nhanh việc đàm phán để có thể công bố danh tính của nhà đầu tư chiến lược và ký kết các hợp đồng liên quan trong thời gian sớm nhất.

Sau khi hoàn tất giao dịch, BIC sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung đại diện của nhà đầu tư chiến lược trong HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2020 (2 thành viên trong HĐQT và 2 thành viên trong Ban kiểm soát). Như vậy, sau khi có sự tham gia của đại diện nhà đầu tư chiến lược, HĐQT BIC sẽ tăng từ 5 thành viên lên 7 thành viên, Ban Kiểm soát tăng từ 3 thành viên lên 5 thành viên.

Về kết quả hoạt động của BIC năm 2014,  theo Tổng Giám đốc Trần Hoài An, BIC duy trì thị phần thứ 7 trên thị trường với tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng đạt 1.116,447 tỷ đồng, tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phí bảo hiểm gốc đạt 991,163 tỷ đồng, tăng 25,5% (trong khi toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,45%); lợi nhuận trước thuế riêng của BIC đạt 111,026 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2013.

Theo ông An, doanh thu năm 2014 tăng trưởng mạnh là nhờ đã có nhiều chính sách điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, trong khi đó, tỷ lệ bồi thường được duy trì ở mức an toàn dưới 40%.

Lợi nhuận có sự giảm nhẹ so với năm trước chủ yếu là do lãi suất tiền gửi ngân hàng và trái phiếu giảm. Tuy nhiên, năm 2014 là năm BIC đã có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm sau nhiều năm bị lỗ.

Bên cạnh đó, BIC cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý khác như được tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới A.M.Best định hạng năng lực tài chính đạt mức B+ và định hạng năng lực tổ chức phát hành đạt mức bbb- với triển vọng nâng hạng là Ổn định; thành lập và đưa vào hoạt động 3 công ty thành viên mới, bổ sung lực lượng khai thác và chăm sóc khách hàng cho toàn hệ thống; đã góp vốn cùng với BIDV và đưa Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife vào hoạt động chính thức từ tháng 11/2014,…

Với kết quả năm 2014, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của BIC trong giai đoạn 2011-2014 đạt bình quân 19,2%.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục