Tỷ lệ 35% đạt đồng thuận cao
Hàng trăm doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa trong những tháng còn lại của năm 2015 sẽ là nguồn hàng hấp dẫn để khối ngoại xem xét đầu tư. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc Công ty cổ phần Stoxplus cho biết, tỷ lệ sở hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi nhất là 35%.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Stoxplus, khi trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ 35% chiếm sự đồng thuận cao nhất, gần gấp rưỡi các tỷ lệ khác. Mức sở hữu 10% được mong đợi kế tiếp. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu ở mức 20% và 50% trở lên không được đa số nhà đầu tư ưu tiên.
Tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khá khắt khe. Để lọt vào tầm ngắm của họ, các công ty sắp cổ phần hóa phải đạt quy mô vốn từ 25 triệu USD trở lên. Trong khi đó, doanh thu thấp nhất phải cỡ 100 triệu USD và đạt mức tăng trưởng hai con số (ít nhất 10%).
Ông Thuân cho rằng, doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí nêu trên cũng chưa chắc được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, nếu không đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất về quản trị doanh nghiệp và chất lượng đội ngũ ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo phải kiểm soát tốt rủi ro cũng như giải quyết hiệu quả những thách thức trong kinh doanh. Hiệu quả kinh doanh và danh tiếng thương hiệu là điều kiện cần thiết, nhưng không quan trọng nhất.
Xét về ngành, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất tới các công ty thực phẩm tiêu dùng, viễn thông và ngân hàng. Ông Takeuchi, Chiến lược gia cao cấp của Công ty chứng khoán Nhật Bản (JSI) cho rằng, bất động sản và xây dựng cũng đáng quan tâm và các ngành này sẽ thu hút nhiều vốn Nhật trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, quan sát kỹ sẽ thấy mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nói chung nằm ở nhóm tiêu dùng. Xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua cũng thể hiện điều đó. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu cao nhất của khối ngoại nằm ở ngành dược (38%), bảo hiểm - dầu và gas - công nghệ (30%) và thực phẩm đồ uống (28%).
Còn nhiều băn khoăn
Đứng trước cơ hội lớn khi các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận, họ còn nhiều băn khoăn. Bà Ogimoto Yoko, đại diện Công ty Nomura Research Institute (Nhật Bản) cho biết, có rất nhiều công ty nhà nước tốt để xem xét đầu tư, nhưng có vẻ các công ty này có rất nhiều công ty con và đây là một khó khăn trong khâu thẩm định đầu tư.
Lo ngại kế tiếp là dù có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian gần, nhưng không biết chính xác khi nào các công ty này sẽ niêm yết. Bà Yoko đưa ra dẫn chứng, phải 2 năm sau khi IPO, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới chính thức được niêm yết.
Các nhà đầu tư nước ngoài dù rất háo hức muốn tham gia những cuộc IPO sắp tới của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng không chắc Việt Nam sẽ đáp ứng được hầu hết “khẩu vị đầu tư” của họ. Bà Yoko cho rằng, danh sách IPO còn phụ thuộc vào các ngành đặc trưng mà Chính phủ Việt Nam mong muốn, trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản sẵn sàng đầu tư vào nhiều ngành hơn.
Một nhà đầu tư châu Âu cho biết thêm, điểm kém thú vị khác là tỷ lệ cổ phần bán ra công chúng quá ít. Theo vị này, lượng cổ phần bán ra ở mức dưới 25% khá nhiều, còn hơn mức này thì rất ít, nhất là ở mức sẵn sàng bán hơn 50%. Các ngành bán lẻ, bảo hiểm, thực phẩm đồ uống… trung bình có đến 59% còn thuộc sở hữu nhà nước.
Về góc độ quản trị, hầu hết các nhà đầu tư đều lo ngại sự hoạt động kém hiệu quả và thiếu minh bạch từ các nhân sự đại diện phần vốn nhà nước. Theo bà Yoko, sở hữu vốn của Nhà nước quá lớn có thể hạn chế quyền lợi của nhà đầu tư khi mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, những doanh nghiệp nhà nước IPO đều có vốn rất lớn, cổ đông chính là những định chế nước ngoài như quỹ đầu tư. Trong khi đó, Nhà nước chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu sau 5 năm mua vào. Việc này có thể gây khó khăn cho các tổ chức đầu tư.
“Trong một số trường hợp đặc biệt, nhà đầu tư phải bán ra sớm hơn thời hạn quy định, như để phù hợp với chu kỳ đầu tư 5 năm của quỹ”, bà Yoko nói và cho rằng, nếu có thể rút ngắn thời gian này, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều vốn ngoại.