“Điểm nghẽn”
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng Đông Nam bộ năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cũng chỉ ra một trong những “điểm nghẽn” dẫn đến việc phát triển thiếu bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng để xuất khẩu là hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam bộ còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lưu trữ, vận chuyển sản phẩm.
Bà Chi phân tích, TP.HCM tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lớn, nhưng phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ các địa phương lân cận, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ. Vì vậy, việc thiếu hạ tầng logistics, kho lạnh làm giảm giá trị sản phẩm, gây nhiều khó khăn cho quá trình vận chuyển, lưu trữ.
“Chúng tôi thấy, Chính phủ và các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực này với tính chất là quốc sách chung từ Trung ương tới địa phương”, bà Chi nói.
Đề cập chi phí logistics, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta thiếu hệ thống hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bãi. Chi phí đầu tư cho lĩnh vực này khá cao, nhưng lợi nhuận thấp, doanh nghiệp không có lời, nên đầu tư chưa quy mô, bài bản. Nếu hạ tầng phát triển, sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển, riêng vận chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển logistics sẽ được giảm nhiều”.
Giải pháp tháo gỡ
Theo bà Lý Kim Chi, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP.HCM nằm ở vùng Đông Nam bộ. Doanh nghiệp muốn thu mua hàng hóa giá tốt, giảm chi phí, thì buộc phải xây dựng kho bãi ở những vùng liên kết này, nhưng lại không được hưởng chính sách kích cầu của TP.HCM. Ngoài ra, tự thân doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics là rất khó.
Do đó, Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM kiến nghị, nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ chung đối với doanh nghiệp đầu tư vào logistics tại Đông Nam bộ. Trong đó, cần hỗ trợ về mặt bằng, vốn vay dài hạn, lãi suất và ưu đãi thuế…; hỗ trợ tăng tính kết nối, triển khai liên vùng.
“Chúng tôi đề xuất có cơ chế phù hợp để TP. HCM hỗ trợ các doanh nghiệp tại Thành phố mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ở các tỉnh, thành phố khác. Việc đầu tư hệ thống kho lạnh, hạ tầng logistics mang tính bền vững, nhưng thu hồi vốn chậm. Nếu không có chính sách hỗ trợ, đầu tư không hiệu quả, thì doanh nghiệp sẽ không mạnh dạn đầu tư”, bà Chi kiến nghị.
Theo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng logistics, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các địa phương rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư với quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn.
Về phía địa phương, ông Lê Văn Danh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, giai đoạn tới, tỉnh định hướng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu.
Việc phát triển mạng lưới logistics đồng bộ rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Cụ thể, cần có cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động chuyên nghiệp.
Song song đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, đầu tư các dự án có quy mô lớn sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, giúp các ngành hàng xuất khẩu mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của logistics, TP.HCM đã hoàn thành đề án quy hoạch các trung tâm logistics và dự kiến xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha.
“Kế hoạch này đang gặp vướng mắc, nhưng TP.HCM quyết tâm tháo gỡ. Ngoài ra, để ‘chia lửa’ với trung tâm triển lãm tại quận 7 đang quá tải, TP.HCM đang tính toán sớm xây dựng thêm những trung tâm triển lãm tầm cỡ tại TP. Thủ Đức, quận 12...”, ông Phương thông tin.