Theo Introspective Market Research, quy mô thị trường logistics xanh được định giá ở mức 1.300 tỷ USD vào năm 2022, dự kiến đạt 2.470 tỷ USD vào năm 2030 với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 8,35% từ 2023 - 2030.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô cung ứng của ngành kho vận hiện đại Việt Nam đạt gần 3,9 triệu m2 sàn với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2020 - 2023 là 23%. Khoảng 75% thị phần kho bãi tại Việt Nam hiện nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số liệu từ báo cáo "Kho vận Việt Nam: Sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài" của FiinGroup.
Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành logistics, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó xác định 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 18 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong lĩnh vực giao thông vận tải và dịch vụ logistics.
Tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” thuộc chuỗi chương trình “RIS.ER24: ESG và phát triển xanh” do Báo Đầu tư và Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức cuối tháng 5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là vấn đề cấp thiết, là xu thế tất yếu đồng thời là động lực tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Ngọc cho biết: “Mặc dù tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới, nhưng phát triển xanh, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn bền vững về môi trường và công bằng về xã hội”.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VINEXAD) nhận định: “Logistics xanh áp dụng các công nghệ mới nhất như robot, IoT (Internet vạn vật), nhà kho thông minh nhằm phân tích dữ liệu, tối ưu hóa các tuyến đường, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý chất thải hiệu quả. Khi tất cả các liên kết trong chuỗi cung ứng đều xanh hóa, doanh nghiệp sẽ có thể cải thiện khả năng sản xuất và vận hành, từ đó hình thành một hệ sinh thái xanh và bền vững”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TYVY, cũng đã chia sẻ quan điểm về chuỗi cung ứng bền vững từ góc nhìn doanh nghiệp tư vấn công nghệ và tài chính bảo hiểm.
Ông Tuấn khẳng định, bên cạnh các giải pháp công nghệ như bản sao số (virtual twin), trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử (quantum computer), các hệ thống tự động (Autonomous systems), thì các giải pháp tài chính và bảo hiểm, điển hình là bảo hiểm tín dụng thương mại (Trade Credit Insurance, TCI) sẽ bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro không thanh toán, đảm bảo rằng họ nhận được bồi thường ngay cả khi người mua đối mặt với khó khăn tài chính.
“Giải pháp bảo hiểm tín dụng thương mại cho phép các công ty tập trung vào các thực hành bền vững mà không bị gián đoạn do vấn đề thanh toán", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Bên cạnh công nghệ dữ liệu, kho thông minh hay robot, vận tải xanh cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững, thể hiện qua việc thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng năng lượng điện hoặc nhiên liệu bền vững như gió, mặt trời và sinh khối, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon, tạo ra nguồn năng lượng bền vững cho các hoạt động vận tải và kho bãi.
Hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững” do VINEXAD, Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), Công ty TNHH TYVY tổ chức vào ngày 03/08 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ 13:30 - 16:30, sẽ thảo luận về giải pháp cụ thể cho logistics bền vững, bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng mô hình sản xuất xanh trong vận tải và chuỗi cung ứng.
Hội thảo thuộc khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG), là triển lãm lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, hướng tới các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính gồm: Vận tải & Giao nhận, Dịch vụ & Thiết bị kho bãi/nhà xưởng, Đóng gói & chuỗi cung ứng lạnh, Ứng dụng công nghệ logistics.