Tại Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024 vừa qua, theo phân tích của ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng (Tổng giám đốc Công ty AsiaTrans Việt Nam), hiện trạng vận tải quốc tế tại Đà Nẵng có đủ 3 loại hình nhưng mỗi loại hình lại có những hạn chế nhất định.
Về đường biển, theo ông Lâm, Đà Nẵng chỉ có 1 cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận tàu container; vê tàu hàng rời và một số loại hàng lỏng khác thì có nhiều bến cảng khác. Tuy nhiên, bến cảng tiếp nhận tàu container hiện chỉ có Cảng Tiên Sa.
Hiện, một số hãng tàu hàng đầu thế giới có dịch vụ kết nối Đà Nẵng với cảng biển lớn với thế giới nhưng Cảng Đà Nẵng có năng suất giới hạn.
Cùng với đó, theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, tại Đà Nẵng, trong năm 2024, bắt đầu từ tháng 4 cước vận tải bắt đầu tăng trở lại như thời điểm dịch bện COVID -19 nên các nhà xuất nhập khẩu cần tính toán về trữ lượng hàng tồn kho, lượng đặt các đơn hàng giao nguyên vật liệu để đảm bảo không bị thiệt hại.
Trong tháng 6, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đưa vào khai thác khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa. Ảnh: Danang port. |
Về vận tải đường hàng không, Trưởng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng đánh giá, sân bay quốc tế Đà Nẵng mặc dù về hành khách và khách du lịch quốc tế tăng trưởng khá tốt nhưng lượng hàng hóa khai khác qua sân bay lại rất hạn chế.
Mặc dù chưa có số liệu từ Cục Hải quan Đà Nẵng về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng trong những năm gần đây lượng hàng hóa qua sân bay tăng trưởng rất chậm và rất là nhỏ so với 2 đầu đất nước là Sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
“Một trong các hạn chế trong khai thác hàng hóa tại sân bay Đà Nẵng hiện tại là diện tích kho bãi của ga hàng hóa còn rất là nhỏ, chưa có kho lạnh. Đó là một trong những điểm hạn chế hiện trạng”, ông Lâm cho biết.
Song ông Lâm hy vọng rằng, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng đang xây dựng đề án trong đó có mở rộng ga hàng hóa quốc tế của sân bay Đà Nẵng, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển logistics tại Thành phố.
Về đường bộ, một loại hình vận tải quốc tế bằng đường bộ hay được nhắc đến với Đà Nẵng là điểm đến và điểm đầu cuối là hành lang kinh tế Đông – Tây đi từ Đà Nẵng đến Myanmar.
Ông Lâm đề cập, mặc dù tuyến đường đi đến Myanmar đang bị gián đoạn nhưng những tuyến kết nối khác đi ngang qua Đà Nẵng như đến Trung Quốc, đến Savannakhet của Lào, các tỉnh tại vùng Đông - Bắc của Thái Lan đang được triển khai bình thường.
Tổng giám đốc Công ty AsiaTrans Việt Nam cho rằng tuyến đường bộ là giải pháp triển vọng để doanh nghiệp xuất nhập khẩu cân nhắc sử dụng khi vận chuyển hàng hóa cho các quốc gia có chung đường biên giới, hoặc có những đơn hàng gấp, khi ưu thế của “đường bộ xuyên biên giới” là nhanh hơn đường biển nhưng rẻ hơn đường hàng không.
Song đối với đường bộ, ông Lâm nêu bối cảnh việc kết nối Đà Nẵng với các quốc gia lân cận, đặc biệt là Lào có nhiều cửa khẩu. Các cửa khẩu chính và gần Đà Nẵng nhất là cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu La Hay (Quảng Trị) nhưng khai thác rất là ít.
Trong đó, cửa khẩu rất gần Đà Nẵng nhưng hiện tại “khai thác không tốt” là cửa khẩu qua Nam Giang đi Dak Ta Ook của Lào. Một số hàng container qua cửa khẩu này về cảng Đà Nẵng rất ít, chủ yếu là hàng tinh bột sắn, nông sản, đông lạnh khác còn lượng hàng qua cửa khẩu chủ yếu lại là hàng rời.
Ngoài ra, tuyến đường kết nối lên cửa khẩu Nam Giang tại Quảng Nam, về tình hình đường giao thông, ông Lâm đánh giá là “rất tệ” và chưa được nâng cấp dẫn đến thu hút hạn chế cho việc kết nối giữa cảng Đà Nẵng và vùng Nam Lào.