Dầu thô kéo chứng khoán điều chỉnh, tạo cơ hội cho giá vàng

(ĐTCK) Sau phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út, giá dầu thô giảm trở lại hơn 4% trong phiên thứ Ba, kéo chứng khoán điều chỉnh theo và tạo cơ hội cho giá vàng bứt phá, lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.
Sau phiên khởi sắc, phố Wall quay đầu giảm điểm do tác động của giá dầu thô (Ảnh minh họa: AFP) Sau phiên khởi sắc, phố Wall quay đầu giảm điểm do tác động của giá dầu thô (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên thứ Ba, sau phiên tăng mạnh đầu tuần, nhưng không thể vượt qua đỉnh xác lập ngày1/2, phố Wall đã nhanh chóng điều chỉnh trong phiên thứ Ba do tác động của giá dầu.

Trong phiên này, giá dầu thô đã giảm mạnh hơn 4% trở lại sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út Ali Al-Naimi loại trừ khả năng sẽ cắt giảm sản lượng. Giá dầu thô giảm mạnh đã tác động tới nhóm cổ phiếu năng lượng và các cổ phiếu hàng hóa khác, kéo phố Wall điều chỉnh giảm hơn 1% sau phiên khởi sắc đầu tuần.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones giảm 188,88 điểm (-1,14%), xuống 16.431,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,23 điểm (-1,25%), xuống 1.921,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm, 67,02 điểm (-1,47%), xuống 4.503,58 điểm.

Tương tự phố Wall, việc giá dầu thô quay đầu giảm mạnh cũng tác động tiêu cực lên thịtrường chứng khoán châu Âu. Ngoài chịu sự tác động của giá dầu thô, chứng khoán châu Âu còn chịu tác động tiêu cực từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Standard Chartered và BHP Billiton. Do đó các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu có mức giảm mạnh hơn phố Wall.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 75,42 điểm (-1,25%), xuống 5.962,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 156,82 điểm (-1,64%), xuống 9.416,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,28 điểm (-1,40%), xuống 4.238,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, việc giá dầu thô điều chỉnh trở lại cũng khiến chứng khoán châu Á điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên đầu tuần khởi sắc. Ngoài chịu tác động từ giá dầu thô, chứng khoán Nhật Bản còn chịu tác động không tích cực từ việc đồng yên tăng giá.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 59,0 điểm (-0,37%), xuống 16.052,05  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 49,31 điểm (-0,25%), xuống 19.414,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 23,84 điểm (-0,81%), xuống 2.903,33 điểm.  

Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng, giúp dòng tiền chảy mạnh trở lại kênh đầu tư an toàn này sau khi rút ra trong phiên đầu tuần để chuyển vào kênh chứng khoán.

Kết thúc phiên 23/2, giá vàng giao ngay tăng 17,1 USD (+1,35%), lên 1.225,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 12,5 USD (-1,28%), lên 1.226,6 USD/ounce.

Như đã đề cập, sau khi tăng mạnh đầu tuần, giá dầu thô đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Ba với mức giám hơn 4% khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út bác bỏ khả năng cắt giảm sản lượng, trong khi đó, theo Viện Năng lượng Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 7,1 triệu thùng trong tuần trước, lên 502,2 triệu thùng, vượt qua mức dự báo 3,4 triệu thùng. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo chính thức vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 23/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,52 USD (-4,77%), xuống 31,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,42 USD (-4,27%), xuống 33,27 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục