Theo nghiên cứu của Baker & McKenzie và Oxford Economics, hoạt động M&A toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng trung bình 2,9% mỗi năm trong 3 năm tới, so với mức tăng trưởng 2,5% năm 2012.
Thị trường chứng khoán toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 18% (12.000 tỷ USD) cũng trong 3 năm tới.
Các nền kinh tế phát triển sẽ là cột trụ đối với hoạt động M&A trên toàn cầu, do được hỗ trợ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ và giá dầu thấp, trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ là đích đến chứng minh sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động này.
“Rất nhiều công ty Mỹ và châu Âu có số lượng lớn tiền mặt tích lũy và sẵn sàng dành cho việc mua lại các hoạt động kinh doanh khác”, Tim Gee, Giám đốc M&A toàn cầu Baker & McKenzie nói và cho biết:
“Hoạt động hỗ trợ tài chính cũng có tiềm năng được thúc đẩy trên toàn cầu, khi các quỹ đầu tư tư nhân đang ghi nhận mức kỷ lục 1.100 tỷ USD chưa được đầu tư. Hoạt động giao dịch xuyên biên giới sẽ đóng một vai trò quan trọng khi các công ty muốn mở rộng thị trường sang các quốc gia có tốc độ phát triển cao hơn”.
Lĩnh vực chính
Hoạt động M&A được dự báo sẽ sẽ tăng trưởng mạnh và nhộn nhịp nhất tại các lĩnh vực: y tế, viễn thông và tài chính vì lý do cấu trúc. Các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, công nghệ và dược phẩm cũng sẽ được thúc đẩy, theo chu kỳ tuần hoàn. Dự báo rằng, hoạt động M&A sẽ đạt đỉnh vào năm 2017 và tới năm 2018 sẽ dần trầm lắng.
Bức tranh toàn cầu đối với M&A
Theo khảo sát của Baker & McKenzie, hoạt động M&A toàn cầu sẽ tăng lên mức 2.700 tỷ USD năm 2015, trước khi đạt tới 3.000 tỷ USD năm 2016 và 3.400 tỷ USD năm 2017.
Giá trị của các thương vụ M&A đa quốc gia sẽ tăng 17% so với năm 2015. Bên cạnh đó, hoạt động M&A có liên quan tới các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 56%, lên mức 678 tỷ USD năm 2018, so với mức 435 tỷ USD năm 2014.
Khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục, ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển sẽ bắt đầu nâng lãi suất, dẫn tới thị trường chứng khoán suy giảm. Khi thế giới ở trong trạng thái lãi suất cao hơn và chấm dứt thời kỳ vay mượn dễ dàng, hoạt động M&A sẽ dần chậm lại kể từ năm 2018 cho tới năm 2020. Tuy nhiên, không giống như thời kỳ năm 2007, xu hướng giảm sẽ không quá đột ngột.
“Đối với các công ty, cơ hội M&A trên toàn cầu đang mở ra ngay tại thời điểm này. Các yếu tố thúc đẩy thuộc về cấu trúc, xu hướng tuần hoàn cũng như giá cổ phiếu và tăng trưởng kinh tế sẽ tạo thời cơ cho các thương vụ cho tới năm 2017. Dù vậy, điều quan trọng nhất dường như là sự tự tin kinh doanh đã quay trở lại. Khi các CEO đã tự tin hơn để theo đuổi các chiến lược của mình thì thị trường chứng khoán sẵn sàng ‘trao thưởng’ cho những người dám chấp nhận thử thách”, Tim Gee phát biểu.
Hoạt động IPO toàn cầu
Viễn cảnh của hoạt động IPO có nét tương tự với hoạt động M&A, phản ánh rằng, cả 2 hoạt động cùng có chung các động lực thúc đẩy, nhưng vẫn có những yếu tố khác biệt.
Các quy định thay đổi, đặc biệt là việc cải tổ các quỹ lương hưu đang cổ vũ các quỹ này đa dạng hóa đầu tư, từ trái phiếu cho tới chứng khoán, đồng thời nâng mức đầu tư vào thị trường chứng khoán. Các nền kinh tế mới nổi cũng đang có các chính sách tạo điều kiện giúp quỹ lương hưu phát triển, mở rộng và tham gia sâu hơn vào các hoạt động đầu tư nội địa.
Theo khảo sát trên, hoạt động IPO nhìn chung sẽ đạt đỉnh vào năm 2017, khi hoạt động IPO nội địa đạt giá trị 233 tỷ USD và IPO quốc tế đạt 89,7 tỷ USD.
Khảo sát cũng cho thấy, tiếp tục có làn sóng các công ty tại các thị trường mới nổi niêm yết tại thị trường nước ngoài, khi các công ty này tìm cách nâng vốn ở mức sâu rộng hơn, đặc biệt là tại các thị trường vốn như Mỹ và Anh.