Chứng khoán toàn cầu có tuần tốt nhất trong năm

(ĐTCK) Dù các thị trường chứng khoán lớn của thế giới đều giảm điểm trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh trong tuần, chứng khoán vẫn có tuần giao dịch tốt nhất từ đầu năm 2016.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dữ liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI), thước đo lạm phát cơ bản của Mỹ  tăng lên mức 2,2% trong tháng 1/2016, mức cao nhất gần 4 năm rưỡi. Điều này thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và giới phân tích, bởi nói trên mục tiêu 2% mà Fed đặt ra để tăng lãi suất.

Dù đây không phải là mức lạm phát tiêu chuẩn của Fed, nhưng với dữ liệu vừa công bố cũng đã gia tăng áp lực lên lạm phát và thay đổi kỳ vọng của thị trường về động thái tiếp theo của Fed, sau khi cơ quan hoạch định chính sách này công bố biên bản cuộc họp tháng 1 cho thấy lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu và bất ổn trên thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và kế hoạch tăng lãi suất của Fed.

Chính lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất, cùng với giá dầu thô giảm mạnh trở lại, tác động lên nhóm cổ phiếu năng lượng, phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, điểm tích cực là các chỉ số chính của phố Wall đều đã có những nỗ lực rất lớn để đảo chiều. Trong đó, Nasdaq thành công, còn S&P 500 chỉ thiếu chút ít may mắn để có được sắc xanh, trong khi Dow Jones cũng chỉ còn giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Dow Jones giảm 21,4 điểm (-0,13%), xuống 16.391,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,05 điểm (-0,00%), xuống 1.917,78 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,89 điểm (+0,38%), lên 4.504,43 điểm.

Dù đảo chiều trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh mẽ đầu tuần, phố Wall đã có tuần tăng điểm ấn tượng. Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,62%, chỉ số S&P 500 tăng 2,84% và chỉ số Nasdaq tăng tới 3,85%. Đây là tuần tăng điểm tốt nhất của phố Wall trong năm 2016.

Tuần sau sẽ là tuần bận rộn của thị trường chứng khoán Mỹ khi hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố, cùng với đó là phát biểu của các nhà hoạch định chính sách Fed.

Tương tự, việc giá dầu thô giảm manh, cùng sự đảo chiều của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ô tô đã khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần. Dù vậy, với những phiên tăng điểm ấn tượng trong tuần, chứng khoán châu Âu đã đòi lại cả vốn lẫn lời đã cho vay trong tuần trước.

Kết thúc phiên 19/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,72 điểm (-0,36%), xuống 5.950,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 75,59 điểm (-0,80%), xuống 9.388,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,72 điểm (-0,39%), xuống 4.223,04 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 4,25%, chỉ số DAX tăng 4,69% và chỉ số CAC 40 tăng 5,71%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng mạnh đã khiến chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm hơn 1,4% trong phiên cuối tuần và không giữ được mốc 16.000 điểm. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 229,63 điểm (-1,42%), xuống 15.967,17  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 77,58 điểm (-0,4%), xuống 19.285,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 2,87 điểm (-0,10%), xuống 2.860,02 điểm.  

Dù vậy, cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, dù giảm điểm trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á cũng có một tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng của các chỉ số rất tốt. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 6,79%, chỉ số Hang Seng tăng 5,27%, mức tăng theo tuần tốt nhất trong 10 tháng và chỉ số Shanghai Composite tăng 3,48%.

Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán đã có lúc hỗ trợ tích cực cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này lấy lại đà tăng sau khi lình xình trong phiên châu Á. Tuy nhiên, vào cuối phiên Mỹ, khi dữ liệu CPI của nước này được công bố với áp lực lạm phát làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất, giá vàng đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 19/2, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD (-0,38%), xuống 1.226,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 0,3 USD (+0,03%), lên 1.226,6 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay và giá vàng giao tháng 4 đều giảm 0,96%. Như vậy, sau chuỗi tuần tăng giá ấn tượng, giá vàng đã chính thức có tuần điều chỉnh nhẹ trở lại.

Dù giá vàng điều chỉnh trở lại trong tuần qua, trái ngược với dự đoán của các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích, nhưng các nhà đầu tư và giới phân tích vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào giá vàng trong tuần tới, dù tỷ lệ người lạc quan đã giảm so với 4 tuần trước.

Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco có 1.036 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có tới 739 lượt người, chiếm 71% lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Đây là tuần đầu tiên sau 4 tuần, tỷ lệ người lạc quan dưới mức 80%. Trong khi đó, có 197 người, chiếm 19% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 100 người, tương đương 10% giữ quan điểm trung tính.

Còn trong cuộc khảo sát 34 chuyên gia, có 17 người trả lời. Trong đó, có 10 người, tương đương 59% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 người, chiếm 24% dự đoán giá kim loại quý sẽ tiếp tục giảm và 3 nhà phân tích, tương đương 18% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô đã có những phiên tăng giá ấn tượng sau thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ả Rập Xê út, tuy nhiên, lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ liên tục lập mức kỷ lục mới đã khiến giá loại nhiên liệu này giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Cùng với các phiên tăng giảm đan xen trước đó, trong tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thô gần như không có biến động nhiều so với cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 19/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,13 USD (-3,81%), xuống 29,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,27 USD (-3,85%), xuống 33,01 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,68%, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 1,05%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục