Iran lên tiếng, giá dầu thô tăng vọt, kéo chứng khoán khởi sắc

(ĐTCK) Giá dầu thô tăng vọt trở lại với mức tăng hơn 7% sau khi Iran lên tiếng ủng hộ thỏa thuận đóng băng sản xuất giữa Nga và Ả Rập Xê út, kéo chứng khoán tăng theo.
Niềm vui tiếp tục nối dài với phố Wall (Ảnh minh họa: AFP) Niềm vui tiếp tục nối dài với phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu thô tăng mạnh đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng khởi sắc sau khi chỉ tăng nhẹ trong phiên trước đó. Trong phiên giao dịch thứ Tư, chỉ số S&P năng lượng tăng tới 2,9%, góp phần giúp phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp.

Ngoài giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại, thì dữ liệu vừa công bố khả quan hơn dự kiến cũng góp phần xoa dịu nỗi lo về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 1/2016 tăng mạnh nhất trong 14 tháng.

Phiên tăng điểm này giúp phố Wall có chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp đầu tiên trong năm 2016, trong đó chỉ số S&P 500 có mức tăng trong 3 phiên tốt nhất kể từ tháng 8/2015, nhưng chỉ số này vẫn giảm 5,7% kể từ đầu năm. Trong khi đó, với 3 phiên tăng liên tiếp vừa qua, chỉ số Dow Jones đã xóa hết những mất mát trong tháng 2.

Về cuối ngày thị trường nhận thông tin biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng, điều kiện kinh tế tài chính yếu kém toàn cầu có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và điều này có thể làm thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong năm nay.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Dow Jones tăng 257,42 điểm (+1,59%), lên 16.453,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,24 điểm (+1,65%), lên 1.926,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 98,11 điểm (+2,21%), lên 4.534,06 điểm.

Cũng giống như phố Wall, việc giá dầu thô tăng vọt trở lại sau tiếng nói của Iran đã giúp chứng khoán châu Âu bật mạnh trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 168,15 điểm (+2,87%), lên 6.030,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 242,10 điểm (+2,65%), lên 9.377,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 122,81 điểm (+2,99%), lên 4.233,47 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 2 phiên tăng liên tiếp, nhất là phiên tăng mạnh đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư. Ngoài áp lực chốt lời, thì việc đồng yên hồi phục cũng tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Trung Quốc dù chịu chút rung lắc, nhưng vẫn có phiên tăng thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 218,07 điểm (-1,36%), xuống 15.836,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 197,51 điểm (-1,03%), xuống 18.924,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 30,77 điểm (+1,08%), lên 2.867,34 điểm.  

Dù chứng khoán tăng mạnh trong phiên thứ Tư, nhưng giá vàng vẫn có phiên hồi phục trở lại khi lực mua gia tăng sau chuỗi 3 ngày giảm liên tiếp. Ngoài ra, giá kim loại quý này hồi phục cũng một phần nhờ “tin đồn” Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ.

Kết thúc phiên 17/2, giá vàng giao ngay tăng 8,1 USD (+0,68%), lên 1.208,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 3,2 USD (+0,27%), lên 1.211,4 USD/ounce.

Như đã đề cập, không như dự đoán của một số nhà phân tích, Iran - nước vừa trở lại thị trường xuất khẩu sau thời gian dài bị phương Tây cấm vận vì chương trình hạt nhân - ủng hộ thỏa thuận đóng băng sản xuất của Nga và Ả Rập Xê út.

Cụ thể, trong cuộc gặp với các đối tác đến từ Venezuela, Iraq và Qatar tại Tehran hôm thứ Tư, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, một đề xuất về mức “trần” sản lượng nên là bước đầu tiên hướng tới việc ổn định thị trường.

Ngoài ra, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm tới 3,3 triệu thùng, xuống 499,1 triệu thùng, chứ không phải tăng 750.000 thùng như dự báo trước đó của giới phân tích và đầu tư.

Kết thúc phiên 17/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,62 USD (+5,58%), lên 30,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,32 USD (+7,21%), lên 34,5 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục