Trong tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã áp dụng mức lãi suất âm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia nhập vào “câu lạc bộ” lãi suất âm cùng Đan Mạch, khu vực đồng euro, Thụy Điển và Thụy Sỹ.
Với việc khoảng 1/4 nền kinh tế thế giới đang áp dụng mức lãi suất âm và tăng trưởng vẫn trì trệ, vàng đang trở thành món đầu tư tuyệt nhất trong năm.
Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của vàng, sau khi kim loại quý này rơi xuống mức thấp nhất 5 năm qua vào tháng 12/2015, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên nâng lãi suất trong gần một thập kỷ. Với việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, rất có khả năng kế hoạch tăng lãi suất của Fed sẽ bị trì hoãn thêm nữa. Bên cạnh đó, với việc lãi suất âm được áp dụng, đồng nghĩa với nhà đầu tư nhận về ít hơn số mà họ đã bỏ ra, khiến các khoản đầu tư truyền thống, trong đó có vàng, ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
“Gửi 1 triệu USD vào ngân hàng, một năm sau, bạn sẽ nhận về khoảng 990.000 USD. Tôi thà sở hữu vàng còn hơn”, Marc Faber, chủ bút báo cáo Gloom, Boom & Doom cho biết.
Lợi suất của một số loại tài sản: vàng, chứng khoán toàn cầu, hàng hóa, trái phiếu
Nếu như đầu năm 2016, đa phần giới đầu tư tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất theo lộ trình dự tính trong năm nay, tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ này chỉ còn 41%. Thậm chí, Bank of America Corp, JPMorgan Chase & Co còn cho rằng, Fed có thể sẽ cân nhắc tới việc sử dụng lãi suất âm nếu nền kinh tế yếu đi.
“Khi chúng ta chứng kiến mức lãi suất âm cả ở ngân hàng và trái phiếu, vậy thì vàng với lãi suất 0% trở thành loại tài sản mang lại lợi nhuận cao. Theo đó, việc vàng được giới đầu tư ưa chuộng là tất yếu”, Jim Rickards, chuyên gia trưởng toàn cầu của West Shore Funds cho biết.