Đại hội... không ý kiến

(ĐTCK) Lỗ lũy kế lên tới 800 tỷ đồng, tổng giám đốc bị miễn nhiệm do điều hành kém…, những vấn đề vốn rất nóng đối với các doanh nghiệp khác và sẽ là nội dung được cổ đông chất vấn Ban chủ tọa, nhưng lại rất nguội đối với ĐHCĐ Tổng công ty Thép - CTCP (VnSteel) diễn ra sáng 25/4.
Đại hội... không ý kiến

Đến phần thảo luận, dù chủ tọa là ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT VnSteel hỏi đi hỏi lại đến 3 - 4 lần có cổ đông nào có ý kiến, tuyệt nhiên không một cánh tay nào giơ lên.

Sự tẻ nhạt này cũng dễ hiểu, bởi phần lớn cổ đông của VnSteel là những đối tác, bạn hàng, cán bộ, nhân viên trong ngành, hầu như không có cổ đông bên ngoài tham gia mua cổ phần trong đợt IPO trước kia. Lý do quan trọng hơn, hiện nay Nhà nước vẫn sở hữu tới 94% cổ phần tại Tổng công ty này, cổ đông nhỏ lẻ vốn thân thuộc với doanh nghiệp cho rằng, có đóng góp ý kiến cũng như “nước đổ lá khoai”. Mọi nội dung sau đó đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết rất cao. Đại hội thành công tốt đẹp.

Với những doanh nghiệp như VnSteel, lỗ khủng tới 800 tỷ đồng không hoàn toàn do nguyên nhân khách quan từ khó khăn chung của nền kinh tế. Nhìn ra xung quanh, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này vẫn đang lãi lớn, đơn cử Tập đoàn Hòa Phát sau khi đưa nhà máy giai đoạn 2 vào hoạt động đang xin phép thực hiện giai đoạn 3. Phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ bên trong doanh nghiệp như cắt giảm chi phí, nhân sự, thu gọn bộ máy, quản trị lại đầu vào - đầu ra sản phẩm… thì doanh nghiệp mới mong thoát lỗ.

Diễn biến đại hội của VnSteel không phải trường hợp cá biệt, đây là tình trạng khá phổ biến ở các công ty cổ phần có vốn Nhà nước từ 75% trở lên. Tại các kỳ ĐHCĐ, hầu như thiếu tiếng nói phản biện trong các chính sách, hoạt động của doanh nghiệp. Nhìn rộng hơn, nếu không có sức ép từ chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, thì dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thực chất quản trị doanh nghiệp cũng không mấy thay đổi, chỉ là dạng “bình mới, rượu cũ”.

Trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước sẽ cổ phần hóa hơn 300 doanh nghiệp, tức là cứ 2 ngày phải hoàn thành xong việc cổ phần hóa 1 doanh nghiệp. Đây là mục tiêu nặng nề, khiến những doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa (CPH) luôn cảm thấy áp lực. CPH nhằm thay đổi về chất trong hoạt động doanh nghiệp, nhưng nếu CPH chỉ mang tính hình thức, thiếu những nhân tố mới, những cổ đông am hiểu pháp luật và có trình độ quản trị, kiến thức về tài chính, chuyên môn thì hoạt động doanh nghiệp khó có chuyển biến. Đã đến lúc cần thay đổi phương thức CPH cho DNNN, không chỉ buộc doanh nghiệp phải bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), mà quan trọng hơn là tìm được những cổ đông có tầm và thực sự tâm huyết với doanh nghiệp.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục