“Ông chủ nhỏ” nhọc nhằn dự đại hội

(ĐTCK) Quyền tham dự đại hội đồng cổ đông, quyền cơ bản nhất của cổ đông, trong nhiều trường hợp, lại không dễ gì thực hiện.


Than Cao Sơn vừa thông báo, cổ đông phải đăng ký trước ngày 25/3 mới được tham dự ĐHCĐ Than Cao Sơn vừa thông báo, cổ đông phải đăng ký trước ngày 25/3 mới được tham dự ĐHCĐ

Bài 1: Tham dự đại hội cũng không dễ

Trong khi nhiều doanh nghiệp “khát” cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông để đảm bảo tỷ lệ theo quy định, thì lại có không ít doanh nghiệp gây phiền toái, cản trở cổ đông tham dự đại hội.

Điều 79, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền…

Tuy nhiên, quyền cơ bản và được Luật nhắc đến đầu tiên này, trong nhiều trường hợp, cổ đông không dễ gì thực hiện.

Trong những năm trước, có không ít công ty yêu cầu cổ đông phải sở hữu lượng cổ phần tương đối mới được tham dự đại hội. Lý giải cho quy định trái luật này, một DN giải thích là vì có quá nhiều cổ đông, đặc biệt là DN sản xuất, lượng cổ đông có thể lên đến hàng ngàn, nếu tổ chức cho hết lượng cổ đông này tham dự thì phải tìm kiếm hội trường lớn, tốn nhiều kinh phí. Vì vậy, DN buộc phải “loại” các cổ đông nhỏ lẻ.

Cách làm trên đã bị phản ứng quyết liệt, nhưng năm ngoái, vẫn có công ty áp dụng “bài” này. Đó là CTCP Bánh kẹo Hải Châu, Công ty thông báo chỉ cho phép các cổ đông sở hữu từ 12.000 cổ phần trở lên được tham dự ĐHCĐ, các cổ đông còn lại có quyền liên kết để cử đại diện (từ 18.000 cổ phần trở lên). Sau khi dư luận lên tiếng về việc cố tình bỏ quên cổ đông nhỏ, Bánh kẹo Hải Châu đã phải cho phép tất cả cổ đông hoặc người được ủy quyền đều được tham dự đại hội.

Một số công ty đưa ra quy định gây bất tiện cho việc tham dự ĐHCĐ là buộc cổ đông phải đăng ký trước. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp không có quy định nào buộc cổ đông phải đăng ký mới được tham dự. Thậm chí, Luật còn quy định, cổ đông đến muộn vẫn được tham dự đại hội và biểu quyết một số vấn đề chưa được biểu quyết.

Mới đây nhất, trong tháng 2/2014, một công ty thuộc Vinacomin tổ chức ĐHCĐ bất thường, yêu cầu cổ đông phải đăng ký trước, khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải lên tiếng, yêu cầu công ty giải trình. Sau đó, DN này đã phải ra thông báo mới, cho phép cổ đông tham dự mà không cần đăng ký.

Trong thông báo họp ĐHCĐ năm 2014 của CTCP Than Cao Sơn đưa ra hồi cuối tháng 2 vừa qua cũng buộc cổ đông phải đăng ký trước ngày 25/3 thì mới được Ban tổ chức đại hội chấp nhận.

Đây là tình trạng diễn ra nhiều năm, ở nhiều công ty. Lý giải về yêu cầu này, một công ty cho biết, sở dĩ yêu cầu cổ đông đăng ký là để ban tổ chức nắm được số lượng cổ đông đến dự và chuẩn bị hội trường… sát thực tế, tránh lãng phí.

Một hai năm gần đây, một số DN có xu hướng tổ chức đại hội ở tỉnh ngoài, mà không phải là nơi đặt trụ sở chính của công ty. Đơn cử, Tổng công ty Thiết bị điện Gelex (Gelex), hai năm nay đều tổ chức ĐHCĐ tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trong khi tổng công ty này có trụ sở tại trung tâm Hà Nội. Theo Gelex, việc này là nhằm tiết kiệm chi phí tổ chức, trong khi đó, Công ty tự giới thiệu trên website: “Hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực khách sạn, cho thuê văn phòng... với nhiều vị trí đẹp, được các thương hiệu nổi tiếng thế giới sử dụng”. Thậm chí, có lần Gelex còn dự kiến, năm nay có thể tổ chức ĐHCĐ ở Quảng Ninh.

Được biết, tháng 6/2013, Tòa nhà trụ sở của Gelex đã hoàn thành, trên diện tích mặt bằng gần 2.000 m2, cao 22 tầng, có 3 tầng hầm. Chưa rõ, với trụ sở hoành tráng, bề thế này, liệu năm nay Gelex có bắt cổ đông phải đi xa, bởi đến nay Công ty vẫn chưa có thông báo mời họp.

Còn nhiều động thái gây phiền toái cho việc dự ĐHCĐ như mời họp cận ngày tổ chức, buộc cổ đông phải sử dụng mẫu ủy quyền có đóng dấu treo của công ty… Trong khi Luật Doanh nghiệp quy định, người triệu tập họp ĐHCĐ phải gửi thư mời họp chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày khai mạc, nhưng có cổ đông phản ánh rằng, họ nhận được thư mời họp chỉ trước có 1 ngày nên rất khó sắp xếp công việc để tham dự. Có trường hợp DN không cho cổ đông vào dự họp, bởi giấy ủy quyền được lấy từ website công ty, không có đóng dấu treo. Bản có dấu treo được công ty cung cấp cho cổ đông kèm thư mời họp, nhưng cổ đông không nhận được thư mời…

Rất nhiều khúc mắc tuy nhỏ, nhưng đều làm cổ đông phiền lòng hoặc khiến cổ đông khó tham dự đại hội. Một số trường hợp là do Luật Doanh nghiệp không có quy định cụ thể ví dụ địa điểm tổ chức ĐHCĐ, một số trường hợp là do không có chế tài nên DN cứ làm đại, tính sau…

Bài 2: Đừng để cổ đông biến thành “nghị gật”

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục