Vẫn còn phân biệt đối xử
Tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2014 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức mới đây, Bộ phận Dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam đã khuyến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu thêm một số chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. HSBC cho rằng, cần quy định và thống nhất biểu mẫu ủy quyền tham dự ĐHCĐ cho tất cả các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư nước ngoài dù nhỏ hay lớn đều có thể tham gia vào các sự kiện, tìm hiểu thông tin về DN mà họ đã đầu tư.
Cũng theo HSBC, cần tạo lập một cơ chế tuân thủ cho các công ty đại chúng trong việc tuân theo các chuẩn mực quản trị DN tốt nhất và trong việc bảo vệ quyền lợi, sự công bằng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Cụ thể, thông tin về các ứng viên hội đồng quản trị/ban kiểm soát nên được cung cấp trong tài liệu họp gửi trước và công bố trên website của DN cho cổ đông/đại diện ủy quyền trước một khoảng thời gian đủ dài để tham khảo trước khi tổ chức ĐHCĐ.
Theo HSBC, hiện nay, không có nhiều DN niêm yết cung cấp dự thảo Nghị quyết ĐHCĐ trong vòng 7 ngày trước ngày họp mà đơn thuần chỉ gửi chương trình họp, điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện quyền cổ đông.
Liên quan đến vấn đề tài liệu phục vụ đại hội, trên thực tế trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong nước cũng bị “việt vị” với cung cách chuẩn bị tài liệu và nội dung đại hội của không ít DN. Chẳng hạn, vào cuộc họp, ban chủ tọa mới liệt kê thêm một loạt vấn đề trình xin ý kiến cổ đông, mà trong tài liệu không hề nêu; hoặc số liệu trong tài liệu một đằng, nhưng khi thông báo trước đại hội một nẻo…
Trên thực tế, nếu chỉ căn cứ theo những quy định pháp luật thì công tác IR trước ĐHCĐ bao gồm các hoạt động liên quan đến việc chốt danh sách cổ đông, lên thư mời cổ đông, gửi thư mời đến cổ đông, gửi mẫu chỉ định ủy quyền, lên chương trình họp, chuẩn bị phiếu biểu quyết, chuẩn bị các tài liệu thảo luận trong đại hội… Đó chỉ là những quy định tối thiểu trong công tác IR, nhưng không hẳn DN nào cũng tuân thủ đủ các điều kiện trên.
Bên cạnh những thủ tục theo quy định thì yêu cầu hiện nay đối với một DN thực hiện tốt công tác IR là những vấn đề lớn khác như các kế hoạch giao dịch quan trọng, việc lựa chọn công ty kiểm toán, chính sách trả cổ tức phải được nêu cụ thể là trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu, đặc biệt đối với những DN có nhu cần mua bán, sáp nhập cũng cần phải được công bố sớm và rõ ràng.
Tiếng vỗ của hai bàn tay
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại là DN có thể làm tốt hay không công tác IR lại phải phụ thuộc một phần vào ý thức của cổ đông, bởi không thể vỗ tay chỉ bằng một bàn tay. Trong khi nhiều nhà đầu tư bức xúc về một số DN gửi chậm, gửi thiếu tài liệu ĐHCĐ so với quy định thì ngược lại, một số DN lại bức xúc với cổ đông vì thiếu “sự hợp tác”.
CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) nhiều năm liền phải tổ chức ĐHCĐ lần thứ 3 do tỷ lệ cổ đông tham dự quá thấp, thậm chí chỉ lác đác một vài nhà đầu tư tham dự. Lãnh đạo ICG chia sẻ, cổ đông của Công ty quá phân tán, trong đó nhiều cổ đông chưa thực sự có ý thức, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, thể hiện ở việc khi nhận được giấy mời dự họp, nhiều cổ đông không có phản hồi, cũng không gửi giấy ủy quyền.
Trong khi đó, để phải tổ chức sang lần 3 là điều HĐQT và ban lãnh đạo các DN không hề mong muốn, vì rất mất thời gian, tốn kém chi phí (thuê địa điểm họp, in tài liệu gửi cho cổ đông) và làm xấu hình ảnh DN... Bản thân ICG cũng đang lo lắng tình trạng phải tổ chức ĐHCĐ nhiều lần có thể lặp lại trong năm 2014.
Rõ ràng, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến công tác quan hệ nhà đầu tư còn nhiều bất cập, như cổ đông chưa quan tâm đến DN, những nội dung họp ĐHCĐ mà DN đưa ra trong tài liệu chưa đủ tính thuyết phục cổ đông, hoặc nhiều nhà đầu tư khi đầu tư vào cổ phiếu chỉ với mục đích “ăn xổi” mà không quan tâm đến hoạt động cơ bản của DN mà mình sở hữu cổ phần… Thế nên, chỉ có sự bắt tay hợp tác từ hai phía DN - cổ đông thì công tác IR mới có thể trở thành tiền đề để có một ĐHCĐ xuôi chèo, mát mái.