Xu hướng khu vực và thế giới
Tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đã được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của 197 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Đây là bước tiến để các quốc gia cùng thống nhất phương pháp thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu.
Quá trình chuyển đổi sang trạng thái trung tính carbon sẽ đòi hỏi sự chuyển mình của toàn bộ nền kinh tế. Ở góc độ quốc gia, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết này sẽ phụ thuộc vào những hành động thiết thực và tiến trình chuyển đổi hệ thống (xem bảng).
Trong hành trình này, sự chung tay phối hợp giữa Chính phủ và các doanh nghiệp là vô cùng cấp thiết. Đã đến lúc Việt Nam cần ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua mối liên kết đối tác công - tư chặt chẽ để đưa quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero (không phát thải khí nhà kính).
Thực tế hiện nay, nền kinh tế và cộng đồng dân cư rộng lớn tại châu Á - Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.
Năm 2020, tỷ lệ khử carbon tại châu Á - Thái Bình Dương là 0,9% (dưới mức trung bình toàn cầu là 2,5%). Để đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5°C và Net Zero, khu vực này cần khẩn trương đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.
Thách thức chính là chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo và carbon thấp, đồng thời tạo điều kiện công bằng cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Quá trình các quốc gia thực hiện giảm khí thải carbon và đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C ngày càng trở nên khó khăn. Nghiên cứu mới đây của PwC Việt Nam cho thấy Việt Nam cùng với các quốc gia khu vực cần khẩn trương thúc đẩy tốc độ khử carbon.
Đồng thời, PwC cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp góp phần đạt mục tiêu Net Zero thông qua các chương trình hợp tác với Chính phủ, dẫn đầu quá trình chuyển đổi và nắm bắt cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh.
Chính phủ, doanh nghiệp cần chung tay hợp tác
Cuộc đua tới Net Zero sẽ bắt đầu từ cam kết của những cấp lãnh đạo cao nhất và những mục tiêu tăng cường cấp quốc gia - đây cũng chính là những điểm chủ chốt được thảo luận tại COP26.
Chính phủ các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, các nhóm ngành nghề, nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Cùng với nỗ lực không ngừng của chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần chung tay và dẫn đầu những thay đổi.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Dịch vụ ESG và kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang nắm giữ cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh. Khả năng truyền đạt các thông tin về phát triển bền vững thông qua các báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp và các bên liên quan. Những doanh nghiệp ứng phó nhanh và toàn diện trong cuộc đua tới Net Zero sẽ đạt được lợi thế của người tiên phong.
Tái định hình hoạt động kinh doanh
Cam kết hướng tới Net Zero đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tạo nên một sự chuyển đổi liên tục và toàn diện trong chiến lược, công nghệ và mô hình hoạt động.
Muốn thay đổi những ảnh hưởng của doanh nghiệp lên môi trường và khí hậu, phải bắt đầu từ cấp cao nhất trong công ty. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động và tích cực chia sẻ về những cam kết mà doanh nghiệp muốn thực hiện cho mục tiêu Net Zero.
Chuyển đổi "xanh" toàn diện
PwC khuyến nghị hãy đi trước và đón đầu tương lai. Những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi và đạt được những mục tiêu Net Zero sẽ có lợi thế của những người đi đầu:
Thứ nhất, tận dụng các nguồn vốn mới nổi: Các nguồn vốn đầu tư luôn là yếu tố tiên quyết cho doanh nghiệp. Huy động tài trợ nhằm đạt được các mục tiêu Net Zero đòi hỏi sự hợp tác sáng tạo và bền vững giữa tất cả các bên liên quan với nguồn vốn lớn từ đầu tư công và tư nhân.
Thứ hai, xây dựng lòng tin thông qua báo cáo mục tiêu: Số liệu và sự minh bạch vô cùng quan trọng. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và mô hình báo cáo, nhằm cân đối các quyết định và xây dựng lòng tin với các bên liên quan.
Cơ hội rất lớn đang hiện hữu trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam. Việc chuyển đổi hướng tới Net Zero giúp doanh nghiệp tăng trưởng không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà còn để lại danh tiếng lâu dài trong xã hội. Đây chính là thời điểm để chúng ta cùng chung tay hành động.
Nhóm 20 công ty niêm yết hàng đầu tại Việt Nam cần đẩy mạnh việc áp dụng các chính sách về môi trường. Nhóm 20 công ty niêm yết hàng đầu tại một số nước ở khu vực đã tích cực hưởng ứng việc thực hiện các chính sách cắt giảm khí thải (xem bảng).
Trong đó, 45 công ty đã đăng ký chương trình Sáng kiến mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học (SBTi) nhằm đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C. Ngoài ra, CDP - một tổ chức phi lợi nhuận điều hành hệ thống công bố thông tin toàn cầu, cũng đã đề xuất 75 công ty vào “Danh sách A” cho các hoạt động và công bố thông tin về khí hậu của họ.
Các công ty trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy sự chủ động nắm bắt các cơ hội, thiết lập chính sách và môi trường pháp lý để đạt được Net Zero.
Bên cạnh đó, chia sẻ chi phí, nghiên cứu và phát triển, đổi mới, chuỗi cung ứng và điều phối quá trình chuyển đổi toàn cầu Net Zero.
Cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới
Các doanh nghiệp ngày càng có nhiều nghĩa vụ pháp lý đối với cổ đông và nhà đầu tư trong việc định lượng tác động doanh nghiệp sẽ có lợi hay gây thiệt hại trước những áp lực do biến đổi khí hậu gây ra.
Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vì lợi ích lâu dài của tất cả các doanh nghiệp. Người tiêu dùng đang có sự thay đổi trong thái độ và hành vi tiêu dùng. Họ kỳ vọng rằng doanh nghiệp sẽ có lập trường và cam kết rõ ràng hướng đến mục tiêu Net Zero. Người lao động thuộc thế hệ Y và Z có ý thức về khí hậu và mong muốn người sử dụng lao động có các cam kết rõ ràng về biến đổi khí hậu và ESG.
Nhà đầu tư càng ưu tiên các công ty trong danh mục đầu tư với các chính sách khí hậu/ESG được thiết lập và minh bạch. Các doanh nghiệp đang nắm giữ cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh. Khả năng ứng phó nhanh và toàn diện sẽ mang lại cho các doanh nghiệp các lợi thế của người đi trước như lợi ích tài chính lâu dài, lợi thế cạnh tranh bền vững, sự hài lòng của khách hàng và hiệu quả hoạt động.
Khả năng truyền đạt các thông tin về phát triển bền vững thông qua các báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“COP26 là khởi đầu của hy vọng. Bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng kiến tạo nên một thế giới đáng tự hào cho thế hệ sau kế thừa. Ở đó, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm của riêng mình”, ông Nguyễn Hoàng Nam nói.