Thực thi chống biến đổi khí hậu: Sức ép sẽ đến rất nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Hội đồng quản trị các công ty nên quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, bởi các bên liên quan sẽ sớm đặt câu hỏi các vị đang làm gì đối với rủi ro do biến đổi khí hậu”’, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital chia sẻ kinh nghiệm với tư cách “người trong cuộc”.
Dòng vốn đầu tư đang hướng vào các lĩnh vực “xanh” Dòng vốn đầu tư đang hướng vào các lĩnh vực “xanh”

Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các cam kết rất mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu với giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Là nhà đầu tư, ông đánh giá cam kết này như thế nào?

Tôi thấy thái độ của Chính phủ Việt Nam là khá quyết liệt, chẳng hạn như cam kết dừng điện than trước năm 2050. Tôi mong rằng, nhận thức ở cấp Chính phủ về việc chống biến đổi khí hậu sẽ lan tỏa xuống từng doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

Năm ngoái, chúng tôi có thuê tư vấn đánh giá về rủi ro biến đổi khí hậu với quỹ của chúng tôi nên có số liệu để chia sẻ: Dự báo từ năm 2020 đến 2030, rủi ro về biến đổi khí hậu tăng 5 lần lên danh mục đầu tư của chúng tôi so với giai đoạn trước.

Rủi ro này có thật nếu nhìn ở các nước khác. Ví dụ, ngành rượu vang ở nước Úc và California (Mỹ) do 2 châu lục bị cháy rừng nhiều, khói ảnh hưởng đến vụ mùa, làm hỏng hết trái nho. Công ty bảo hiểm đền bù thiệt hại cho các chủ trang trại trồng nho, nhưng sang năm họ sẽ không bán bảo hiểm cho nữa. Không mua được bảo hiểm, doanh nghiệp sợ ảnh hưởng lớn khi mất một vụ mùa, nhưng bán nông trại đi thì không ai mua.

Để kiểm soát rủi ro, Dragon Capital sẽ thoái vốn khoản đầu tư có rủi ro lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, các công ty có lượng phát thải khí nhà kính cao. Các quy định về đầu tư bền vững đang dần đi vào luật pháp ở các nước và các nhà đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Là doanh nghiệp đi trước trong vấn đề này, ông có thể chia sẻ gì với các doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital

Hội đồng quản trị nên bắt đầu quan tâm vấn đề quản trị rủi ro của biến đổi khí hậu, vì các bên liên quan sẽ sớm đặt câu hỏi các vị đang làm gì với các rủi ro có thể xảy ra xuất phát từ biến đổi khí hậu? Thông thường, có 2 loại rủi ro chính: Một là rủi ro vật chất, như bão, lũ, nhiệt độ nóng lên, hạn hán ảnh hưởng đến nhà máy, hoạt động sản xuất - kinh doanh, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả các năm sau; hai là rủi ro pháp lý - trong trường hợp nhà nước đánh thuế trên lượng phát thải carbon. Hiện ở nhiều nước, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải công bố thông tin hàng năm đáp ứng câu hỏi này.

Doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường phát triển cũng cần chú ý đến việc một số thị trường, điển hình là cộng đồng EU, đã áp dụng thuế trên phát thải carbon với những công ty cung cấp hàng hóa. Có nghĩa, nếu doanh nghiệp phát thải carbon lớn thì chịu thuế cao hơn và điều này sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp thủy sản, dệt may, chế biến gỗ không hẳn có yếu tố phát thải carbon nhiều, nhưng các ngành nhựa, sản phẩm từ dầu... thì coi chừng.

Tại Việt Nam, trong thông tư hướng dẫn về quản trị công ty, có điều khoản là các công ty phải công bố lượng carbon phát thải. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vẫn chưa quan tâm tới việc ứng phó với các rủi ro về pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu. Khi đặt vấn đề quản trị rủi ro biến đổi khí hậu để xem chúng ta phải làm gì sẽ phát sinh chi phí, tác động đến tính toán tài chính cho dự án, cho hoạt động doanh nghiệp.

Riêng nhóm công ty liên quan ngành tài chính, là các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và sau này là công ty chứng khoán có vai trò rất lớn trong cung cấp tài chính, cần phải có trách nhiệm đặc biệt trong điều khiển hoạt động kinh tế để làm chậm lại, giảm nhẹ sự nóng lên của trái đất.

Như HSBC chủ trương không cung cấp vốn cho nhà máy nhiệt điện dùng than và Dragon Capital cũng vậy. Dần dần, các ngân hàng EU, Nhật Bản đều sẽ thực hiện cam kết này, kể cả cho vay trực tiếp hay gián tiếp. Doanh nghiệp nào có quan hệ định chế tài chính ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ có thêm các giới hạn trong hoạt động cung cấp vốn của mình tại Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp muốn tiếp cận tín dụng quốc tế cũng cần quan tâm vấn đề này.

Một số thị trường, điển hình là cộng đồng EU, đã áp dụng thuế trên phát thải carbon với những công ty cung cấp hàng hóa.

Trên thế giới, các công ty lớn đều đã có cam kết hành động để chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn đưa lượng phát thải carbon về bằng 0, không chỉ cho thời gian tới mà cho suốt cả thời gian hoạt động của họ từ trước đến nay. Không có quy định nào bắt buộc họ làm như thế, nhưng sức ép từ nhân viên, khách hàng, cổ đông, báo chí và xã hội nói chung ngày càng lớn.

Việt Nam chắc chắn không phải nước đi sau trong hành động chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nên mọi thứ sẽ thay đổi, sức ép đến rất nhanh và doanh nghiệp nên quan tâm ngay từ bây giờ.

Cụ thể, Dragon Capital đã thực thi các chính sách chống biến đổi khí hậu như thế nào?

Dragon Capital đã áp dụng một phần chính sách chống biến đổi khí hậu được hơn 2 năm. Chúng tôi phải nghiên cứu các công ty và chấm điểm khi đưa ra quyết định đầu tư, trong đó có các thông tin về phát triển bền vững, về phát thải carbon. Tuy nhiên, thực tế còn thiếu vắng thông tin ở điểm này, vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến kiểm soát phát thải.

Thực thi phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trong đầu tư làm thay đổi các hoạt động của Dragon Capital. Nếu như trước đây, những người làm ở Dragon Capital là làm ngành tài chính, thì bây giờ là “tài chính+”. Nhân sự của chúng tôi không chỉ giỏi về tài chính, mà còn phải am hiểu về các yếu tố phi tài chính khi phân tích một công ty, một ngành, lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi phải đào tạo nội bộ cho các nhân sự về phát triển bền vững về chính sách ESG.

Hai năm nay, các nhà đầu tư hỏi chúng tôi về vấn đề này nhiều hơn. Sang năm, chúng tôi sẽ có quy định chính thức về thực thi chống biến đổi khí hậu trong hoạt động đầu tư sau thời gian nghiên cứu và áp dụng một phần các quy định này.

Thu Hương thực hiện
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục