Củng cố niềm tin, xây dựng tương lai ngành tài chính

(ĐTCK) Sau khi hệ thống ngân hàng và thị trường vốn phải đối mặt với không ít thách thức lớn và phức tạp trong vài năm trước, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống tài chính quốc gia, nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để bảo vệ sự ổn định và phát triển lâu dài của hệ thống tài chính, Việt Nam cần một chương trình cải cách toàn diện hơn.

Một số vấn đề nổi cộm

Các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu gia tăng, niềm tin của một bộ phận nhà đầu tư và người gửi tiền suy giảm do một số vụ bê bối tài chính đã ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của ngành tài chính. Bên cạnh đó, thị trường vốn Việt Nam còn non trẻ, chưa phát triển toàn diện, có điểm yếu về cơ cấu, khung pháp lý chưa được thực thi một cách nhất quán và nghiêm túc.

Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý tài chính là cần thiết, khung pháp lý này không chỉ đáng tin cậy, mà còn minh bạch, chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc, nhằm củng cố niềm tin của công chúng và nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành tài chính trong tương lai.

Ông Douglas Jackson, Giám đốc Điều hành kiêm Tổng giám đốc Văn phòng Việt Nam, Alvarez & Marsal Khu vực Đông Nam Á và Úc

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã bắt đầu một hành trình cải cách mạnh mẽ nhằm củng cố và hiện đại hóa nền tảng của hệ thống tài chính quốc gia. Dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước cùng với sự hỗ trợ của Quốc hội, một gói cải cách pháp lý toàn diện đã được triển khai nhằm mục tiêu hiện đại hóa các quy định, tăng cường tính minh bạch và quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính.

Trung tâm của những nỗ lực cải cách này là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, một cuộc đại tu pháp lý quan trọng được thiết kế để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề sở hữu, siết chặt các quy định liên quan đến hoạt động cho vay và cung cấp các công cụ can thiệp kịp thời nhằm hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn trước khi khủng hoảng xảy ra.

Bên cạnh đó, những sửa đổi mới nhất trong Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ đầu năm 2025, có mục đích hạn chế các hành vi giao dịch nội gián và thao túng thị trường, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số - nhóm dễ bị tổn thương trong các giao dịch không minh bạch.

Sự cấp bách của những thay đổi này được thể hiện rất rõ sau vụ bê bối tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - có mối liên hệ phức tạp với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ bê bối đã gây ra một làn sóng rút tiền tạm thời, làm lộ ra lỗ hổng trong việc thực thi quy định pháp luật thời điểm đó, tức có khoảng cách giữa các mục tiêu và ý định lập pháp với quá trình triển khai và thực thi trên thực tế.

Vụ việc SCB còn chỉ ra điểm yếu trong chất lượng tín dụng và minh bạch báo cáo tài chính. Khi các biện pháp hỗ trợ tài chính đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 dần hết hiệu lực, nhiều ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ bắt đầu phải đối mặt với sự gia tăng các khoản vay xấu.

Tỷ lệ nợ xấu chính thức được công bố nhiều khả năng chưa phản ánh hết thực trạng căng thẳng tài chính, bởi các ngân hàng thường sử dụng biện pháp tái cấu trúc nợ mang tính hình thức như chuyển giao các khoản nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản liên quan, hoặc thực hiện các giao dịch đối ứng nợ xấu giữa các ngân hàng nhằm che giấu tình trạng tài chính yếu kém. Điều này không những làm sai lệch báo cáo tài chính chính thức, mà còn làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào ngành ngân hàng nói chung.

Ngoài ra, khả năng vốn của không ít ngân hàng vẫn là một điểm yếu. Mặc dù đã áp dụng các tiêu chuẩn Basel II theo yêu cầu quốc tế, nhưng so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, các ngân hàng Việt Nam vẫn tụt hậu về mức độ dự trữ - vốn luôn được coi là bộ đệm quan trọng để ứng phó với rủi ro tài chính.

Đáng chú ý, phương pháp tiếp cận trọng số rủi ro hiện tại vẫn còn khá thận trọng, điều này dẫn đến việc các ngân hàng không thể tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng vốn. Rủi ro tín dụng ngày càng tăng không được phản ánh tương xứng bởi sự gia tăng vốn, phần lớn là do thị trường vốn trong nước còn nhỏ và non trẻ, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu huy động vốn dài hạn của các ngân hàng. Nếu không sớm cải thiện khả năng vốn, các ngân hàng Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với giới hạn nghiêm ngặt trong việc mở rộng tín dụng, đồng thời kéo theo các rủi ro tiềm ẩn cho sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn của quốc gia.

Việc củng cố nền tảng pháp lý tài chính là bước đi quan trọng để Việt Nam hướng tới một hệ thống tài chính hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.

Về phía thị trường vốn, vốn được kỳ vọng như một van an toàn để giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng thông qua việc cung cấp các nguồn tài trợ dài hạn và chia sẻ rủi ro, có những điểm còn hạn chế và chưa phát triển toàn diện.

Sau một đợt siết chặt quy định mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 - 2023, đặc biệt sau những phát hiện về hành vi bán sai, công bố thông tin thiếu minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường này vẫn trầm lắng và thiếu sức sống. Phí bảo hiểm rủi ro cao tiếp tục đè nặng lên hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản vốn luôn chứa đựng nhiều rủi ro và khó khăn trong việc huy động vốn.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu tư cá nhân, sự tham gia của các tổ chức chuyên nghiệp và dài hạn còn hạn chế. Dù đã có những nỗ lực về mặt pháp lý nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp, nhưng không ít quy định chưa được thực thi đồng bộ và nghiêm minh. Các dấu hiệu vi phạm như giao dịch nội gián hay thao túng thị trường thường xuyên xuất hiện, khiến các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn và nghiêm túc trở nên e ngại, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư chuyên nghiệp và bền vững vào thị trường.

Trong bối cảnh đó, quyết định của Chính phủ nâng giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc lên mức 49% được coi là một bước đi rất tích cực. Đây là dấu hiệu cho thấy sự mở cửa, cởi mở hơn với dòng vốn và chuyên môn quốc tế, đồng thời giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm để góp phần cải thiện năng lực quản trị và tài chính của các ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi lớn liên quan đến cách thức thực hiện các giới hạn sở hữu này, quyền quản trị mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được, cũng như cơ chế thoái vốn trong tương lai. Nếu không có các quy định rõ ràng, minh bạch và được thực thi một cách nhất quán, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài có thể không như kỳ vọng.

Cần một chương trình cải cách toàn diện

Để bảo vệ sự ổn định và phát triển lâu dài của hệ thống tài chính Việt Nam, đồng thời giải quyết đồng thời các thách thức hiện tại, cần một chương trình cải cách toàn diện.

Trước hết, tăng cường thực thi pháp luật là nhiệm vụ nền tảng và quan trọng nhất. Bất kỳ khung pháp lý nào dù được xây dựng kỹ lưỡng và hoàn chỉnh đến đâu cũng sẽ thất bại nếu không được triển khai một cách đáng tin cậy và nhất quán trên thực tế.

Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần hoạt động với tính độc lập thể chế cao, đồng thời phải được trang bị đầy đủ thẩm quyền và nguồn lực cần thiết để có thể hành động nhanh chóng, quyết đoán khi phát hiện các vi phạm. Hình phạt đối với các vi phạm phải được áp dụng kịp thời, nghiêm khắc và không có ngoại lệ nhằm củng cố kỷ luật thị trường và tạo ra một môi trường tài chính minh bạch, công bằng.

Song song với đó, nâng cao các tiêu chuẩn về vốn để phản ánh đầy đủ mức độ phức tạp và liên kết ngày càng tăng của hệ thống tài chính hiện đại. Việc điều chỉnh theo các chuẩn mực Basel III, thể chế hóa việc kiểm tra sức chịu đựng định kỳ (stress test) và đảm bảo công bố minh bạch các kết quả này sẽ giúp cách ly các ngân hàng khỏi các cú sốc bên ngoài, cũng như nâng cao niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường vốn cần phải mở rộng và đào sâu hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn vốn trung và dài hạn. Việc xây dựng một khung pháp lý và quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch thông tin và thành lập các cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập sẽ là những nền tảng vững chắc để phát triển thị trường này. Hơn nữa, cần thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tổ chức dài hạn như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm nhằm thúc đẩy sự ổn định, chuyên nghiệp hóa thị trường vốn.

Một ưu tiên không thể thiếu là cải thiện kiến thức tài chính trong công chúng. Thị trường vốn và ngân hàng mà bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân với trình độ kiến thức hạn chế dễ tạo ra môi trường biến động cao, cũng như tạo điều kiện cho các hành vi thao túng. Các chiến dịch giáo dục tài chính quốc gia và việc tích hợp kiến thức tài chính cá nhân vào chương trình giáo dục phổ thông là những giải pháp căn bản để xây dựng một cộng đồng nhà đầu tư hiểu biết, có khả năng chịu đựng rủi ro và phản ứng tích cực với biến động thị trường.

Ngoài ra, hiện đại hóa hệ thống giám sát và quản lý thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến cũng là cơ hội lớn. Việc sử dụng các công nghệ phát hiện gian lận dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu thời gian thực và nền tảng tuân thủ kỹ thuật số sẽ giúp nâng cao hiệu quả và khả năng phản ứng của các cơ quan quản lý tài chính. Sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.

Cuối cùng, khi xu hướng tài chính số ngày càng phát triển mạnh mẽ, an ninh mạng phải được đặt vào vị trí trung tâm trong chiến lược bảo vệ sự ổn định của ngành tài chính. Một chiến lược an ninh mạng quốc gia phù hợp với yêu cầu của các tổ chức tài chính, kèm theo các tiêu chuẩn thống nhất, cơ chế phản ứng sự cố phối hợp và giao thức chia sẻ thông tin an toàn, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hệ thống tài chính có thể đối phó hiệu quả với các nguy cơ ngày càng tinh vi và đa dạng trong không gian mạng.

Douglas Jackson

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục