Hướng đến hệ sinh thái số thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2025, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain… mà đang từng bước kiến tạo hệ sinh thái số thông minh - nơi các dịch vụ tài chính được tích hợp, kết nối chặt chẽ với các lĩnh vực khác, mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.

Kỳ vọng hệ sinh thái số thống nhất

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025

Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, ngành ngân hàng Việt Nam đang chủ động kiến tạo một hệ sinh thái số thông minh, thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiên phong xây dựng một hệ sinh thái tài chính số hiện đại, thông minh, góp phần đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng dân tộc trong giai đoạn phát triển mới.

Hệ sinh thái số thông minh trong ngành tài chính - ngân hàng là một cấu trúc hiện đại, đảm bảo sự liên kết toàn trình giữa ngân hàng và các lĩnh vực khác như thương mại, y tế, giáo dục, giao thông… thông qua nền tảng công nghệ số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…, tạo nên một hệ sinh thái số thống nhất, trong đó người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi tối đa từ các dịch vụ tài chính số.

Trong hệ sinh thái này, dịch vụ tài chính được cung cấp theo hướng liền mạch, theo thời gian thực, cá nhân hóa và lấy người dùng làm trung tâm, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hiệu quả vận hành và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Việc kiến tạo hệ sinh thái số thông minh là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số, phù hợp với mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ nhất, hệ sinh thái số giúp ngành ngân hàng nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp, với các dịch vụ tài chính được cung cấp nhanh chóng, linh hoạt, cá nhân hóa và phù hợp với từng ngữ cảnh sử dụng.

Thứ hai, thông qua việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bên trong và ngoài ngành tài chính - ngân hàng, hệ sinh thái số thông minh góp phần tăng hiệu quả quản lý rủi ro, phòng chống gian lận, bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ ba, đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và mở rộng hợp tác giữa ngân hàng, Fintech, Bigtech cũng như các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, thương mại điện tử...

Trong dài hạn, hệ sinh thái số thông minh chính là động lực chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tài chính - ngân hàng, đồng thời phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của quốc gia.

Trên hành trình kiến tạo đó, dữ liệu chính là “trái tim” - nguồn sinh lực vận hành toàn bộ tiến trình này. Với ngành ngân hàng, dữ liệu là chìa khóa kết nối hệ sinh thái mở, biến ngân hàng thành nền tảng tích hợp giá trị số - từ y tế, giáo dục đến thương mại - mang lại trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch cho khách hàng. Dữ liệu cũng là yếu tố đầu vào trong tiến trình ra quyết định, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp dự báo rủi ro, ngăn chặn gian lận và bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia.

Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu mở, đồng bộ, có khả năng liên thông và được bảo vệ nghiêm ngặt chính là nền móng để hiện thực hóa một hệ sinh thái tài chính - ngân hàng số thông minh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Kết quả chuyển đổi số ngành ngân hàng

Hệ sinh thái số thông minh lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng, đồng thời đảm bảo sự liên kết toàn trình giữa ngân hàng và các lĩnh vực khác.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng là một trong những bộ, ngành tiên phong trong chuyển đổi số. Bằng những nỗ lực không ngừng và cố gắng bền bỉ, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả ấn tượng, tạo nền tảng cho việc kiến tạo hệ sinh thái số thông minh.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện.

Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số; xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024; phối hợp xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025), dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 52/2024/NĐ-CP), Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định 94/2025/NĐ-CP), Nghị định về định danh và xác thực điện tử (Nghị định 69/2024/NĐ-CP).

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều thông tư trong năm 2024 (Thông tư số 07, 08, 15, 17, 18, 40) quy định chi tiết về hoạt động đại lý thanh toán; việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia; cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng; hoạt động thẻ ngân hàng; hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Bên cạnh đó là thông tư quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng (Thông tư 50); quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong ngành ngân hàng (Thông tư 64). Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030, góp phần định hướng phát triển thanh toán số tại Việt Nam.

Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng

Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng

Thứ hai, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số luôn được chú trọng đầu tư, phát triển, hoạt động thông suốt, an toàn.

Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn. Năm 2024, hệ thống này xử lý tăng 7,43% về số lượng và 32,9% về giá trị so với năm 2023. Trung bình một ngày, hệ thống xử lý hơn 534.000 món, với giá trị bình quân khoảng 820.000 tỷ đồng.

Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử có khả năng xử lý giao dịch thanh toán tức thời, vận hành liên tục 24 giờ x 7 ngày. Trong năm 2024, hệ thống xử lý tăng 29,69% về số lượng và 15,12% về giá trị so với năm 2023, bình quân xử lý hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng 30,34%.

Toàn thị trường có hơn 21.000 ATM và 737.000 POS; mạng lưới chấp nhận thanh toán (POS/QR Code) phủ rộng khắp cả nước.

Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu mở, đồng bộ, có khả năng liên thông và được bảo vệ nghiêm ngặt là nền móng để hiện thực hóa hệ sinh thái tài chính - ngân hàng số thông minh.

Đáng chú ý, Việt Nam đã kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia, Lào, cho phép khách hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài thông qua ứng dụng di động (Mobile app) của ngân hàng Việt Nam và ngược lại. Hiện Việt Nam đang triển khai kết nối thanh toán QR với Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia cũng được nâng cấp mạnh mẽ để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động. Kênh kết nối trực tiếp H2H tới các tổ chức tín dụng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm chi phí hoạt động và đảm bảo tính an toàn, minh bạch của hoạt động thông tin tín dụng.

Tính đến tháng 11/2024, có 49 tổ chức tín dụng kết nối H2H với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia; hơn 575.000 báo cáo được cung cấp thông qua hệ thống kết nối trực tiếp. Việc cung cấp thông tin thông qua website của Trung tâm được duy trì, số lượng báo cáo được khai thác trực tuyến qua website đạt hơn 73,1 triệu báo cáo các loại.

Thứ ba, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác.

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện, giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay. Nhiều tổ chức tín dụng có trên 90% giao dịch qua kênh số.

Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế, cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán. Điều này cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí ngay trên ứng dụng, nền tảng số quen thuộc hàng ngày. Đồng thời, thông qua hệ sinh thái thanh toán số, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.

Đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giao dịch không dùng tiền mặt, đặc biệt qua QR Code và thiết bị di động, tiếp tục tăng trưởng ấn tượng về cả số lượng lẫn giá trị.

Trong năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kênh Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; kênh điện thoại di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua QR Code tăng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị.

Thứ tư, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số.

Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ, tích cực phối hợp với Bộ Công an và các các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong ngành ngân hàng một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an ban hành Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu về dân cư, căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID) để làm “sạch” dữ liệu, nhận biết, xác minh chính xác khách hàng nhằm phòng chống, ngăn ngừa việc tội phạm mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp; nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn nhất cho người dân, khách hàng.

Đến nay, ngành ngân hàng đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức được đối chiếu sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia đã hoàn thành 6 đợt đối chiếu với khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng theo phương thức offline.

Thứ năm, đảm bảo an ninh, an toàn.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động; tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính thông qua nhiều hoạt động, phương thức tiếp cận đa dạng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số, đồng thời bảo vệ người dân và doanh nghiệp trước các hành vi lợi dụng công nghệ cho mục đích bất hợp pháp.

Một số vấn đề đặt ra và định hướng trong thời gian tới

Dù ngân hàng số đã trở nên quen thuộc, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc kiến tạo hệ sinh thái số thông minh như khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân có một số điểm còn hạn chế; dữ liệu còn phân mảnh, thiếu tính liên thông, chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, có kiến thức về nghiệp vụ và công nghệ phục vụ chuyển đổi số; xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.

Nghị quyết số 57-NQ/TW là dấu mốc quan trọng, tiếp thêm động lực cho ngành ngân hàng vững bước trên hành trình chuyển đổi số toàn diện. Việc kiến tạo hệ sinh thái số thông minh là mục tiêu chiến lược và yêu cầu tất yếu để ngành tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong tiến trình số hóa quốc gia.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm sau.

Một là, hoàn thiện thể chế: phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Hai là, phát triển hạ tầng số: đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ và dữ liệu dùng chung, đảm bảo an toàn, bảo mật, tiến đến ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Ba là, tăng cường kết nối liên ngành: mở rộng chia sẻ dữ liệu, phát triển hệ sinh thái số tích hợp giữa ngân hàng và các lĩnh vực khác.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia.

Năm là, phát triển nguồn lực: nâng cao năng lực con người và công nghệ nhằm cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số tiện ích, với chi phí hợp lý.

Sáu là, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính: nâng cao nhận thức, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng số an toàn, hiệu quả.

Bằng tinh thần không ngừng đổi mới, tăng cường hợp tác sâu rộng và khả năng thích ứng linh hoạt, ngành ngân hàng đang khẳng định vai trò tiên phong trong kiến tạo hệ sinh thái số thông minh - một cấu trúc tài chính số toàn diện, kết nối, lấy người dân làm trung tâm - góp phần xây dựng nền kinh tế số hiện đại, bao trùm và bền vững, đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Phạm Anh Tuấn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục