Các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hướng dòng vốn vào dự án xanh, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Nhiều kết quả tích cực

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tiếp tục là xu hướng phát triển chủ đạo trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước yêu cầu về đặt ra về phát triển bền vững, Việt Nam đã có các cam kết mạnh mẽ, đặt ra mục tiêu, định hướng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành ngân hàng, với vai trò là một trong kênh dẫn vốn, cùng với các nguồn vốn khác (Nhà nước, FDI, doanh nghiệp, người dân) tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Nhận thức được điều này, ngành ngân hàng đã sớm chủ động và tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, cụ thể:

Một là, sớm xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Đề án phát triển ngân hàng xanh; lồng ghép các định hướng hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại các Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Hai là, rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững;ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng nhằm thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng trước rủi ro về môi trường của các dự án đầu tư thuộc nhóm có tác động xấu tới môi trường, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế.

Ba là, chỉ đạo các TCTD thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thống kê về hoạt động tín dụng xanh, tích cực triển khai các chính sách tín dụng tập trung vốn cho các ngành/lĩnh vực xanh, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chương trình tín dụng thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Tín dụng xanh tăng nhanh hơn tín dụng toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2017 - 2024 nhờ các giải pháp đồng bộ

Tín dụng xanh tăng nhanh hơn tín dụng toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2017 - 2024 nhờ các giải pháp đồng bộ

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh cần huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là các ngân hàng phát triển đa phương (MDBs), thời gian qua, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), các ngân hàng nước ngoài… nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức này cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.

Năm là, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành có rủi ro cao (2018, 2019); Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (2025)), các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng về tín dụng, ngân hàng xanh.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, quá trình triển khai cho thấy các TCTD đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định của pháp luật về môi trường, tiệm cận dần với tiêu chuẩn quốc tế. Các TCTD chủ động ban hành, lồng ghép các nội dung thực hiện tăng trưởng xanh trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh; đa dạng hóa nguồn lực và nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng xanh; thiết lập hệ thống quản trị và thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; phối hợp với các tổ chức quốc tế và tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng về các vấn đề ESG (môi trường, xã hội, quản trị), tài chính xanh, ngân hàng xanh, phát triển bền vững.

Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của các TCTD đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.

Những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Kế hoạch triển khai, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện bốn giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ngân hàng xanh; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng cho các dự án có lợi ích về môi trường, bảo vệ môi trường sau khi Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành.

Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn ESG.

Thứ ba, tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức ở trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động về tài chính xanh, ngân hàng xanh, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh – tín dụng xanh, biến đổi khí hậu.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành ngân hàng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ ngân hàng, khách hàng về tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Để nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đòi hòi sự quan tâm, phối hợp đồng bộ các giải pháp từ các Bộ, ngành địa phương. Do đó, NHNN đề nghị các cơ quan có liên quan quan tâm: (i) Sớm báo cáo trình cấp thẩm quyền về Danh mục phân loại xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; (ii) Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; (iii) Phát triển thị trường trái phiếu xanh, thị trường cac-bon trong nước nhằm tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh; (iv) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Hà Thu Giang
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục