Cần chuyển đổi để tiếp cận tín dụng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về xanh hóa buộc các doanh nghiệp phải đưa ra tiêu chuẩn "xanh, bền vững". Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn hạn chế và chủ yếu từ ngân hàng, nhưng tín dụng xanh cũng tăng trưởng khiêm tốn.
Cần chuyển đổi để tiếp cận tín dụng xanh

Doanh nghiệp vay vốn xanh còn hạn chế

Ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến kinh tế xanh nên khó có thể tận dụng nguồn lực tín dụng xanh. Theo ông Tuệ, nếu doanh nghiệp hiểu về việc thực hiện tiêu chuẩn xanh sẽ nâng cao được danh tiếng thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu, tiếp cận được các thị trường mới, huy động nguồn lực tài chính.... Những yếu tố này có thể góp phần vào thành công tài chính dài hạn và tăng trưởng bền vững.

Hiện có nhiều chương trình tín dụng xanh, nhưng theo ông Tuệ, để tiếp cận được tín dụng xanh trước hết đỏi hỏi doanh nghiệp phải xanh và đáp ứng các tiêu chí xanh. Đơn cử như xuất khẩu cafe, nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì doanh nghiệp rất khó có thể xuất khẩu ra được các thị trường quốc tế. HUBA nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp TP.HCM về phát triển xanh thông qua việc kết nối với các cơ quan hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính xanh, công nghệ xanh...

Thực tế, xu hướng chuyển đổi xanh đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều quốc gia đang đặt ra các tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh, tạo ra một thị trường khổng lồ cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này. Sản phẩm xanh thường được người tiêu dùng đánh giá cao hơn, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng lòng tin với khách hàng.

TS Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cũng cho biết, tín dụng xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Theo ông Lịch, trên toàn cầu, xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài phải thích ứng với xu hướng này. Tín dụng xanh giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh sang hướng bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.

Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng tín dụng xanh từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước và IMF đồng loạt ban hành sổ tay hướng dẫn cho nhiều ngành và lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng ông Lịch cho rằng, tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng vẫn còn khiêm tốn. Hiện dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. Riêng TP.HCM đã có sáng kiến phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án, nhưng quy mô này còn nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải. Chính vì thế, hiện nhiều tổ chức tài chính ngần ngại tham gia thị trường tài chính xanh do thiếu nhân lực, kỹ năng.

Đồng thời, nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hơn là đầu tư dài hạn và các dự án xanh do có thời gian hoàn vốn dài, tỷ lệ sinh lời thấp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế xanh để đưa sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới.

Cần chuyển đổi để tiếp cận được vốn xanh

Trước thực trạng trên, TS. Trần Du Lịch đề xuất các giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng để mở rộng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh gồm: việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính xanh có chuyên môn cao để tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, không chỉ tập trung vào các dự án lớn như điện gió, điện mặt trời mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

Chia sẻ tại Diễn đàn “TP.HCM – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức chiều ngày 6/12, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng HDBank cho biết, suốt thời gian dài, Ngân hàng đã rất chủ động tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xanh như năng lượng tái tạo, xuất khẩu.

BIDV cho biết, đến 30/9 đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.680 khách hàng, với 2.068 dự án/phương án, dư nợ xanh đạt 75.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ BIDV và chiếm khoảng 11,3% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế. Trong đó, BIDV đã triển khai gói tín dụng 4.200 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp dệt may; gói tín dụng 10.000 tỷ đồng tài trợ dự án “Công trình xanh” dư nợ các lĩnh vực như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo chiếm 81,2%; cho vay các lĩnh vực khác: bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái, phòng chống thiên tiên, vận tải bền vững..

Trong thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều nội dung chỉ đạo liên quan đến tài chính xanh – tín dụng xanh; kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện ESG. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng xanh đạt bình quân 22%/năm giai đoạn 2017-2023. Tính đến 30/9/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm hơn 43%; nông nghiệp xanh trên 30%.

Thế nhưng, so với nhu cầu thực tế hiện tăng trưởng tín dụng xanh vẫn còn khá khiêm tốn. Một phần, do thách thức từ các quy định xanh ngày càng chặt chẽ của thị trường khiến các doanh nghiệp cần gia tiêu chuẩn "xanh, bền vững" đối với hàng hóa xuất khẩu, gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu "xanh, bền vững", gia tăng thủ tục khai báo, công bố thông tin, công bố thông tin xanh...

Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn hạn chế, chưa có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Thực tế, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp có thể tốn thêm nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại chưa thấy được ngay, trong khi các nguồn lực tài trợ còn hạn chế. Nhưng hiện tại Việt Nam, nguồn vốn từ các NHTM cho các dự án xanh/bền vững chủ yếu đều từ nguồn tài chính nội lực của ngân hàng. Các yêu cầu để tiếp cận nguồn vốn xanh nước ngoài thường đi kèm các điều kiện khắt khe để đáp ứng tiêu chí xanh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, NHNN sẽ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế xanh như: ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay lĩnh vực này. Đồng thời, xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng cũng như thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo các khoản vay xanh được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, nhằm góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục