
Công cụ không còn phát huy hiệu quả tối ưu
Hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại (hay còn gọi là giới hạn tăng trưởng tín dụng nội địa), theo một số nghiên cứu, là một công cụ chính sách tiền tệ thuộc nhóm chính sách an toàn vĩ mô. Chính sách này thường được áp dụng trong giai đoạn nền kinh tế có lạm phát cao, bùng nổ về tín dụng và chủ yếu được áp dụng tại các nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi. Trên thế giới, hiện có khoảng 20 quốc gia đang áp dụng công cụ này, trong đó có Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Philippines, Việt Nam…
Mục tiêu chủ yếu của hạn mức tăng trưởng tín dụng là tránh bong bóng tín dụng để đảm bảo an toàn vĩ mô, tuy nhiên, chính sách này được đánh giá cũng có một số hạn chế.
Thứ nhất, đây là công cụ mang tính hành chính, có thể làm giảm động lực kinh doanh của các ngân hàng. Có những ngân hàng thương mại huy động được nhiều vốn nhưng lại bị hạn chế cho vay, trong khi một số ngân hàng không có khả năng huy động vốn lại không sử dụng hết hạn mức được giao.
Thứ hai, tạo điều kiện cho sự ra đời của các trung gian tài chính phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương để bù đắp sự thiếu hụt về vốn (ngân hàng ngầm, tín dụng đen…). Kết quả là, chính sách tiền tệ dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng mất đi hiệu lực, do một lượng vốn tín dụng được lưu thông trong nền kinh tế không theo hạn mức đó và không kiểm soát được.
Thứ ba, có thể làm cho lãi suất tăng lên, bởi cung vốn bị giới hạn, không thoả mãn nhu cầu vốn của nền kinh tế, điều này dẫn tới chi phí của nền kinh tế tăng.
Thứ tư, có thể làm thiên lệch cơ cấu tín dụng của các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến cơ cấu nền kinh tế. Do tín dụng bị áp mức trần, các ngân hàng thương mại thường lựa chọn khách hàng lớn, ngành ưu tiên để cho vay, sau đó mới đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các ngành có mức độ rủi ro cao hơn.
“Do vậy, về dài hạn, thay vì sử dụng các biện pháp trực tiếp như hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng trung ương có xu hướng chuyển sang kiểm soát các công cụ mang tính thị trường như chỉ tiêu an toàn đối với các tổ chức tín dụng. Ví dụ, áp dụng các tiêu chuẩn của Basel II, III; đánh giá, phân nhóm ngân hàng để áp dụng hệ số CAR khác nhau, cơ chế kiểm tra giám sát khác nhau…; áp dụng các tỷ lệ cho vay/giá trị tài sản đảm bảo, tỷ lệ an toàn thanh khoản, tỷ lệ huy động vốn ổn định ròng…”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Tại Việt Nam, công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng bắt đầu được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ năm 1994, trong bối cảnh lạm phát và tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh. Do hiệu quả không như kỳ vọng, đến năm 1998, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định không sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng như một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, năm 2011, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát lên tới 18,13% và tăng trưởng tín dụng quá “nóng” (bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2005 - 2010), Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng lại công cụ này từ năm 2012 và duy trì đến nay.
Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, chính sách hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay của Ngân hàng Nhà nước có ưu và nhược điểm riêng. Về ưu điểm, công cụ này cho phép Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tình trạng tín dụng tăng nóng (như giai đoạn 2000 - 2010), dự báo được lượng tín dụng, cung tiền, từ đó, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định cung tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc định hướng tăng trưởng tín dụng và hạn mức tín dụng sẽ góp phần cùng các công cụ khác giữ ổn định lãi suất, qua đó, giữ ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp…
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, room tín dụng không chỉ góp phần quan trọng trong định hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo cho tăng trưởng tín dụng ổn định, an toàn và bền vững.
Dẫu vậy, thực tế đã cho thấy đây là một biện pháp hành chính trong kiểm soát thị trường tiền tệ, nên hạn mức tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam cũng có những nhược điểm tương tự như tại các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài việc áp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn giới hạn cho vay ở một số lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp hoặc cổ phiếu với tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, hoặc gián tiếp hạn chế tín dụng thông qua việc đặt hệ số rủi ro tín dụng ở mức cao khi tính CAR với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…
Vài năm gần đây, trong bối cảnh vĩ mô ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều công cụ điều hành khác để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, ổn định vĩ mô, không ít lần đề xuất bỏ room tín dụng lại được giới chuyên gia kinh tế đưa ra, nhằm tăng tính chủ động cũng như tạo thêm dư địa phát triển cho các ngân hàng, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân… Vì thế, việc Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ công cụ điều hành room tín dụng với các ngân hàng được giới chuyên gia cũng như thị trường đón nhận rất tích cực.
![]() |
Từ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài |
Tiến tới bỏ room
Trước khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 104, trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5, 6/2024), Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2024, cơ quan này đã không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này. Tuy nhiên, với các tổ chức tín dụng còn lại, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giao room tín dụng nhưng thay vì cấp theo từng đợt thì định hướng là 15% và giao hết từ đầu năm.
Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, “đây là bước đệm quan trọng trong lộ trình tiến tới bỏ hoàn toàn công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng”.
“Dẫu vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ, việc bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng đối mặt với một số khó khăn như đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản. Bên cạnh đó, các định chế tài chính như IMF, WB và Moody’s cũng cảnh báo việc nới lỏng tín dụng làm tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ nghiên cứu, đánh giá các tác động chính sách rất kỹ để có báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về lộ trình triển khai bãi bỏ công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện cẩn trọng, vì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Do đó, để tiến tới gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
“Tìm kiếm giải pháp thay thế có tính khả thi cao”
![]() |
Ông Phạm Chí Quang Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước |
Ngân hàng Nhà nước sử dụng biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng kể từ năm 2012 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong bối cảnh khi đó hệ thống tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng nóng, bình quân trên 35%/năm, vượt khả năng quản trị của nhiều tổ chức tín dụng, dẫn đến nợ xấu tăng cao, mất khả năng thanh toán, nhiều tổ chức tín dụng đứng trước bờ vực phá sản, lãi suất thị trường rơi vào vòng xoáy tăng cao, cạnh tranh không lành mạnh.
Thực tiễn cho thấy, biện pháp này đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, khôi phục niềm tin của thị trường, người dân vào hệ thống ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng và tích cực triển khai lộ trình hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Tiếp đó, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Đến nay, chỉ còn các ngân hàng trong nước đang thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025 theo chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước thông báo theo nguyên tắc dựa trên điểm xếp hạng của các ngân hàng này.
Việc gỡ bỏ biện pháp điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần được tiến hành thận trọng trên cơ sở phải có giải pháp chính sách thay thế có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, trong những giải pháp cần tính tới theo khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế là Ngân hàng Nhà nước cần tự chủ trong việc quyết định, điều hành lãi suất, vì khi dỡ bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mặt bằng lãi suất thị trường lên cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để báo cáo và đề xuất Thủ tướng lộ trình cụ thể triển khai định hướng gỡ bỏ biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng nêu trên.
“Lộ trình của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp”
![]() |
Bà Phùng Thị Bình Phó tổng giám đốc Agribank |
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, việc thông báo hạn mức tín dụng tăng trưởng hàng năm chỉ còn áp dụng đối với ngân hàng thương mại trong nước và dần tiến tới bỏ quy định này. Lộ trình này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là phù hợp.
Đối với các ngân hàng thương mại nói chung và Agribank nói riêng, việc huy động vốn và cấp tín dụng là hoạt động chính của ngân hàng.
Hàng năm, các tổ chức tín dụng đều phải xây dựng kế hoạch kinh doanh, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với ba yếu tố: Một là, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng; hai là, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế; ba là, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng chịu rủi ro của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 và các văn bản sửa đổi, bổ sung; quy định về đánh giá mức độ đủ vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và tuân thủ theo các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế Basel II, Basel III… cũng như quy định về quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN
“Tuân thủ chỉ đạo và quy định của Ngân hàng Nhà nước”
![]() |
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank |
Việc triển khai hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được nhiều mục tiêu, đặc biệt phát huy vai trò trong việc góp phần kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế đi kèm với ổn định thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Định hướng của Chính phủ chuyển việc điều hành room tín dụng theo cơ chế thị trường là xu thế chung của nền kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về việc đang nghiên cứu từng bước thay đổi cơ chế điều hành room tín dụng này.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chính sách và công cụ quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II như Thông tư số 41/2016/TT-NHNN về yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP), Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các ngân hàng thương mại khi cho vay ra phải đảm bảo tỷ lệ huy động vốn tương ứng như tỷ lệ LDR, LCR, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cùng nhiều tỷ lệ an toàn khác…
Các quy định, chính sách trên đang được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa và nâng cấp theo chuẩn mực Basel III. Đây là bước tiến rất lớn và cũng là những bộ công cụ theo thông lệ của các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính quốc gia áp dụng nhằm đảm bảo các ngân hàng phải tăng cường nguồn vốn huy động và nguồn vốn tự có tương ứng với dư nợ tín dụng có thể cung ứng ra nền kinh tế nhằm đảm bảo sự an toàn và ổn định của hệ thống ngân hàng.
Việc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hoàn thiện và sử dụng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, quản trị rủi ro, thanh tra giám sát theo thông lệ quốc tế sẽ góp phần hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang cơ chế điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Ở vị trí ngân hàng thương mại, chúng tôi sẽ hoàn toàn tuân thủ các chỉ đạo và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Công điện 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 đạt khoảng 16% so với năm 2024 và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.
Công điện viết: “Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”.
Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, chiều 3/7. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng qua giao chỉ tiêu hạn mức cho từng ngân hàng. Thay vào đó, cơ quan này cần chuyển việc điều hành theo cơ chế thị trường và xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Việc này cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.