Chất xúc tác cho đầu tư có trách nhiệm
Khảo sát 50 tổ chức đầu tư toàn cầu đang quản lý tổng tài sản 12.900 tỷ USD vào đầu quý III/2020 của JPMorgan cho thấy, 71% tin rằng, những sự kiện bất ngờ và rủi ro cao như bệnh dịch Covid-19 sẽ nâng cao nhận thức và kích hoạt sự quan tâm hơn của giới đầu tư đến việc giải quyết các tác động, rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và tổn thất đa dạng sinh học.
Có khoảng 55% nhà đầu tư được khảo sát cho rằng, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác tích cực cho hoạt động đầu tư có trách nhiệm (ESG - môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong 3 năm tới, chỉ có 27% cho là tiêu cực và 18% là trung lập.
Không ít nhà đầu tư hiện nay cho rằng, nếu chú trọng vào các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể khiến doanh nghiệp bị bó buộc trong việc đầu tư và suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp quan tâm và lồng ghép ESG vào chiến lược hoạt động của mình có tình hình kinh doanh tích cực, ổn định và vững chãi, mang lại nhiều giá trị thặng dư cho cổ đông. Đó cũng là một trong các cơ sở để nhiều quỹ đầu tư bền vững thu hút vốn tốt hơn, nhất là trong giai đoạn xuất hiện dịch bệnh Covid-19.
Theo phân tích của Morningstar cuối tháng 6/2020, gần như giá của tất cả tài sản giảm trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, nhưng các khoản đầu tư ESG lại tốt hơn nhiều. Riêng tại Mỹ, các quỹ đầu tư bền vững hút ròng kỷ lục 10,5 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020. Tổng số vốn quỹ đầu tư bền vững hút ròng trên toàn cầu là 45,7 tỷ USD, trong khi nguồn vốn tại nhiều quỹ khác bị rút ròng.
Còn theo dự báo của JPMorgan, tổng tài sản đang quản lý toàn cầu theo phương pháp đầu tư bền vững có thể đạt giá trị 45.000 tỷ USD vào cuối năm 2020. Con số này gấp 45 lần tài sản quản lý (AUM) hiện tại, khoảng 1.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp quan tâm và chú trọng ESG có sự gia tăng hàng năm. Thông tin từ Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020, do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp cùng Báo Đầu tư tổ chức dưới sự tài trợ của Dragon Capital, cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực GRI khi thực hiện Báo cáo phát triển bền vững, áp dụng hình thức Báo cáo tích hợp (Integrated Report) để cố gắng cung cấp nhiều hơn thông tin về triển vọng và chiến lược kinh doanh của mình… Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp có chiến lược, định hướng cụ thể để chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vừa thể hiện cam kết thực tế trong phát triển bền vững.
Nhìn lại các doanh nghiệp đạt giải Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2013 trở lại đây cho thấy, đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành, có kết quả kinh doanh ấn tượng và giữ vững được phong độ.
Cụ thể, Vinamilk (VNM) liên tục nhiều năm có EPS trên 5.000 đồng/CP, chỉ số ROE liên tục 5 năm gần nhất đều trên 35%, thậm chí năm 2016 - 2017, ROE trên 43%. Tập đoàn Bảo Việt (BVH) có EPS trên 1.500 đồng/CP, giá trị sổ sách trên 20.000 đồng/CP và có chiều hướng tăng hàng năm.
Tương tự, Dược Hậu Giang (DHG) có EPS ở mức 5.000 đồng/CP, ROE trên 20% mỗi năm, ROA trên 15%/năm. Các doanh nghiệp ngành dược khác như Imexpharm (IMP) hay Traphaco (TRA) cũng có sự tăng trưởng ổn định và đầu tư vào việc mở rộng nhà máy sản xuất, hứa hẹn cho chặng đường phát triển tốt hơn sắp tới.
Hay như doanh nghiệp lần đầu tiên lọt vào giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững là Sợi Thế Kỷ (STK) - đơn vị bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 khiến kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, cũng khẳng định về tầm nhìn chiến lược và lồng ghép yếu tố ESG trong hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp ngày càng vững vàng hơn. Đơn cử, việc đưa ra chiến lược tập trung sợi tái chế của STK đang phát huy hiệu quả và được hỗ trợ bởi xu hướng “Life green” đang gia tăng ở thời kỳ hậu Covid-19.
Vốn đầu tư ngày càng ưu tiên cho ESG
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, mức độ quan tâm của các quỹ đầu tư về phát triển bền vững đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Một số công ty quản lý quỹ như Dragon Capital, Vietnam Holding, Dynam, Tundra... đã có bộ phận chuyên nghiên cứu về khía cạnh ESG của các doanh nghiệp mình đầu tư. Ngoài ra, đã có một số quỹ áp dụng tiêu chí loại trừ không đầu tư vào các ngành nghề và công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn về ESG.
Việc này xuất phát từ một số lý do như tiêu chuẩn càng ngày càng khắt khe của nguồn vốn đầu tư vào các quỹ, đặc biệt là nguồn vốn từ châu Âu và Mỹ. Hầu hết nguồn vốn từ các khu vực này đều đưa ESG vào nhóm yếu tố quan trọng nhất trong việc chọn lựa đối tượng đầu tư, bên cạnh hiệu quả về tài chính.
Mặt khác, tuy không thể hiện ra con số về nâng cao kết quả kinh doanh trong ngắn hạn, việc tuân thủ tốt các tiêu chuẩn và yêu cầu về ESG đóng góp khá nhiều vào việc cải thiện hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và giảm thiểu rủi ro tiềm năng trong kinh doanh.
Ngoài ra, việc tuân thủ tốt ESG thể hiện doanh nghiệp có tầm nhìn và cam kết trong dài hạn đối với xã hội và với nhà đầu tư, qua đó nâng cao niềm tin của thị trường vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, định giá của doanh nghiệp sẽ được cải thiện khi họ đáp ứng được tiêu chí đầu tư của nhiều quỹ đầu tư hơn khi tuân thủ tốt ESG.
Tại Việt Nam, ông Đức cho biết, có khá nhiều trường hợp điển hình về ESG. Chẳng hạn, trong bối cảnh dịch Covid-19, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện cam kết của mình đối với nhân viên (một trong các khía cạnh của ESG) thông qua việc vẫn cố gắng duy trì và bảo vệ lợi ích của nhân viên dù gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh; công khai chính sách hỗ trợ nhân viên trong giai đoạn khó khăn; tình nguyện cắt giảm lương ban lãnh đạo để hỗ trợ công ty về mặt tài chính...
Các hoạt động trên dẫn tới việc gia tăng lòng trung thành của nhân viên, giúp công ty duy trì được nguồn nhân lực khi kinh tế phục hồi và vượt qua các doanh nghiệp khác trong ngành sau đó.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp lại xảy ra xung đột về lợi ích giữa ban quản trị và nhà đầu tư, dẫn tới việc ban quản trị không hoạt động trên nền tảng lợi ích của công ty (vi phạm yếu tố quản trị doanh nghiệp), khiến hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống nhanh chóng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho biết, trong mùa dịch vừa qua, các doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của VinaCapital chưa thấy hiện tượng vi phạm các tiêu chí đầu tư ESG.
Trước khi đầu tư, VinaCapital thuê bên thứ 3 độc lập vào thẩm định về ESG tại doanh nghiệp mục tiêu, chẳng hạn như vấn đề xử lý nước thải. Nếu chưa đạt, VinaCapital sẽ đặt điều kiện, sau khi nhận vốn đầu tư, doanh nghiệp phải xử lý nguồn nước thải đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường.
Cách thức làm khá đơn giản và không mất quá nhiều chi phí để thử nghiệm: Đưa nước vào ao, thả cá, trồng cây, nếu cá lớn, cây sống tốt thì mới được xả ra ngoài. Hay với các doanh nghiệp sản xuất, bụi trong nhà máy cao phải xử lý thêm hệ thống lọc không khí, đảm bảo sức khỏe người lao động.
Ước tính, có 13% nhà đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương kết hợp các yếu tố ESG vào quyết định hoặc thực hiện các hành động cụ thể để cải thiện hiệu suất ESG trong danh mục đầu tư của mình. VinaCapital cũng là đơn vị ký kết tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hợp quốc về Đầu tư có trách nhiệm PRI. Quỹ sẽ đầu tư tuân theo khung đánh giá ESG do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đặt ra, tập trung vào 2 lĩnh vực bền vững, gồm quản lý tài nguyên nước và nguồn năng lượng sạch.