Đóng cửa rừng tự nhiên để đảm bảo phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

Đóng cửa rừng là việc cần làm ngay nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Đóng cửa rừng tự nhiên để đảm bảo phát triển bền vững

Yêu cầu về đóng cửa rừng tự nhiên xuất phát từ vai trò của rừng, từ hiện trạng của rừng và đòi hỏi phát triển bền vững.

Vai trò của rừng thể hiện trên nhiều mặt. Về kinh tế, rừng liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống hàng ngày của hàng chục triệu người sống bởi nghề rừng, hàng mấy triệu người lao động liên quan đến khai thác, chế biến xuất khẩu sản phẩm của rừng. Quan trọng không kém về kinh tế, việc bảo vệ và phát triển rừng còn đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường - từ việc giữ nước, ngăn lũ, bảo vệ đất, chống sa mạc hóa, chắn cát, chắn sóng, chắn bão, bảo vệ động thực vật quý hiếm, điều hòa không khí.

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 41,7%, cao hơn nhiều so với những năm trước (37,8% của năm 2008; 40,7% năm 2015), nhưng không cao hơn năm 1945 (41 - 42%).

Diện tích có rừng đạt 14.491.300 ha (gồm rừng tự nhiên 10.255.500 ha, rừng trồng 4.235.800 ha).

Trong tổng diện tích rừng hiện có, tỷ trọng rừng tự nhiên đã giảm (cuối năm 2009 chiếm 78%, cuối năm 2010 còn 77%, cuối năm 2013 còn 74,5%, cuối năm 2015 còn 73,2%, cuối năm 2018 còn dưới 70,8%). Điều đó một phần chứng tỏ sự cố gắng của việc trồng rừng (diện tích trồng tập trung từ năm 2010 đến 2019, đạt 2.378.600 ha, bình quân 237.900 ha/năm).

Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, bất cập. Tổng diện tích bị cháy, bị chặt phá còn lớn (trong giai đoạn 2011 - 2015 là 3816,6 ha/năm, giai đoạn 2016 - 2019 là 2658 ha/năm).

Trong khi đó, khai thác gỗ có khối lượng khá lớn và tăng rất nhanh. Nếu năm 2005 mới khai thác gần 2,7 triệu m3 gỗ, thì năm 2019 đạt gần 16,1 triệu m3. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã khai thác 7,53 triệu m3, tăng 2% - tuy thấp hơn thời kỳ 2006 - 2019, nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng diện tích trồng rừng (0,2%). Điều đó chứng tỏ tỷ lệ che phủ rừng tuy không giảm, thậm chí có năm còn tăng, nhưng chất lượng rừng giảm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 1998 mới đạt 125 triệu USD, thì năm 2004 đạt hơn 1,1 tỷ USD, năm 2019 đạt hơn 10,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4,98 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, trong tổng diện tích rừng, diện tích giao cho người dân chỉ chiếm 4%, còn 96% giao các tổ chức, nhưng việc quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ. Nhiều diện tích rừng giao rồi, nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng diễn ra tương đối phổ biến.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách quản lý rừng còn nhiều sơ hở. Tình trạng điều tra, truy bắt băng nhóm phá, tiêu thụ gỗ rừng chưa thật quyết liệt. Tình trạng cấp phép cho chuyển rừng tự nhiên samg mục đích khác; cho chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp cũng diễn ra không ít. Một kẽ hở nữa là, cấm xuất khẩu gỗ tròn, nhưng chưa cấm gỗ tự nhiên đã qua chế biến.

Do vậy, thời gian tới, cần các biện pháp quyết liệt hơn khi Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục