4 nguồn lực giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

Nhiều nguồn lực sẽ được tung trung để thực hiện được hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hạ tầng giao thông, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Làm rõ việc triển khai Nghị quyết này trong phần trả lời chất vấn ngày 9/11, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Nghị quyết 120, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao 4 nhiệm vụ là (1) rà soát cơ chế điều phối vùng; (2) lập quy hoạch cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; (3) xây dựng một danh mục dự án đầu tư quan trọng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; (4) huy động và bố trí nguồn lực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng vùng và cơ chế điều phối vùng.

Nhiệm vụ thứ hai liên quan đến danh mục dự án dự kiến đầu tư các công trình quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được đánh giá và lựa chọn xong.

Nhiệm vụ thứ ba là vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn cho biết, các bên tư vấn đang làm, đến tháng 12 này sẽ trình Chính phủ chính thức và Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định sẽ xem xét và báo cáo để cấp có thẩm quyền thông qua vào đầu năm 2021. Đây là quy hoạch hết sức quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long, đã lấy ý kiến được 2 lần và cuối tháng 11 sẽ lấy ý kiến vòng 3.

“Đó là những cơ sở cho phát triển nhanh, bền vững trong một thời gian sắp tới của đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cuối cùng, về nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 4 nguồn lực quan trọng.

Thứ nhất là, Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán và thống nhất lo những tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và Bạc Liêu đến Cần Thơ. “Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Giao thông sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2025”, ông Dũng cho hay.

Thứ hai là nguồn lực của địa phương, được lấy từ nguồn được hỗ trợ của Trung ương cộng với ngân sách của địa phương để thực hiện các dự án hạ tầng.

Nguồn lực thứ ba là nguồn lực của Trung ương, có 2 nguồn. Thứ nhất là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD trong giai đoạn tới. Riêng từ 2021-2025, các cơ quan Chính phủ sẽ xây dựng một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ thông qua ngân sách, khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho đồng bằng sông Cửu Long, một số hồ như ở tỉnh An Giang và một số giao thông quan trọng đối với một số tỉnh không có đường ven biển.

Thứ hai là nguồn từ trung ương hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng. Mỗi địa phương theo đó sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để có điều kiện phát triển trong thời gian tới. “Chúng tôi đã thống nhất với các địa phương rồi và sẽ thông qua Hội đồng vùng sắp tới để trình Chính phủ”, ông Dũng cho hay.

Nguồn lực thứ tư mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra là huy động là từ vốn xã hội thông qua hợp tác đối tác công tư.

“Chúng ta cũng tập trung nhiều nguồn lực để có thể thực hiện được hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục