Từ ngày 23 đến 26/9/2020, TP. Cần Thơ tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Trần Quốc Trung, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ về thành tựu của TP. Cần Thơ đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới.
Đâu là những thành tựu nổi bật mà TP. Cần Thơ đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo, thưa ông?
Trong nhiệm kỳ vừa qua, TP. Cần Thơ đã đạt được những kết quả rất phấn khởi, như đã thực hiện đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt), trong đó kinh tế Thành phố tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng mục tiêu đề ra, môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Đồng thời, TP. Cần Thơ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XIII (2015 - 2020) đề ra và từng khâu đột phá đều mang lại những kết quả thiết thực, như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với chuẩn hóa cán bộ, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đã huy động các nguồn lực được nhiều hơn để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu đô thị mới, xây dựng nông thôn mới...
Thưa ông, về phát triển kinh tế, đâu là những kết quả mà ông ấn tượng nhất?
Đó là chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,53%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tương đương 4.136 USD, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đã chiếm gần 93%. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, đạt bình quân 7,25%/năm, thương mại - dịch vụ là ngành phát triển mạnh về quy mô, đa dạng về loại hình, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, khẳng định được vai trò chủ lực kinh tế Thành phố và trung tâm động lực của vùng. Liên kết hợp tác phát triển giữa TP. Cần Thơ với các địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng, công tác đối ngoại và quá trình hội nhập quốc tế được mở rộng.
Kế đến là công tác quy hoạch và phát triển đô thị chú trọng yếu tố văn minh, hiện đại, với cảnh quan và kiến trúc “sáng, xanh, sạch, đẹp”, hướng tới đô thị thông minh; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, như Dự án kè sông Cần Thơ (quận Cái Răng), bờ kè và đường rạch Cái Khế; cải tạo công viên, bờ kè và cầu đi bộ bến Ninh Kiều; Dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Tiểu dự án TP. Cần Thơ; Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; cầu Quang Trung, Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ; Khách sạn Ninh Kiều Riverside; Tổ hợp khách sạn 5 sao - Trung tâm thương mại và shophouse Vincom Xuân Khánh…, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng; thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển. Năng lực cạnh tranh kinh tế của Thành phố thuộc nhóm khá so cả nước. Cụ thể, năm 2019, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Cần Thơ đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2015); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) được cải thiện qua hàng năm và nằm trong 20 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).
Theo ông, đâu là những hạn chế cần khắc phục, hoàn thiện hơn trong nhiệm kỳ tới?
Kinh tế Cần Thơ tăng trưởng khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, chưa thật sự là trung tâm động lực của vùng. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp. Dịch vụ tuy có bước phát triển, nhưng chưa tạo ra được sự đột phá và chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL. Nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò đi đầu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Đồng thời, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, còn hạn chế, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, chưa đồng bộ, hiện đại, đang là điểm nghẽn đối với phát triển của TP.Cần Thơ và vai trò kết nối vùng. Hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương…
Đó là những vấn đề cơ bản mà TP. Cần Thơ cần quyết tâm khắc phục, hoàn thiện trong nhiệm kỳ tới.
TP. Cần Thơ sẽ đề ra nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào về phát triển kinh tế - xã hội để vượt qua thách thức và đưa Thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm hạt nhân, thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị?
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau đây.
Một là, đổi mới tư duy, tầm nhìn về phát triển Thành phố; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Chủ động tuyên truyền, kiến nghị với Trung ương và các địa phương trong vùng về Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tổ chức và doanh nghiệp, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh. Hoàn thiện và trình phê duyệt các đề án: Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và phát triển mới khu công nghiệp tập trung dọc theo đường tỉnh 922 (mới mở) và Quốc lộ 80.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung của Thành phố và Khu công nghiệp Việt - Nhật. Tiếp tục xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ lớn, chất lượng cao của vùng và cả nước. Quan tâm quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, trung tâm thương mại lớn, hiện đại. Mở rộng các loại hình dịch vụ có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đặt biệt là dịch vụ logistics.
Ba là, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặt biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối nội vùng và liên vùng thông qua các dự án giao thông lớn của Trung ương đã và đang triển khai trên địa bàn. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng, tập trung nguồn lực vào các công trình, đề án, chương trình đột phá của Thành phố nhằm cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập, ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách căn cơ và bền vững.
Bốn là, tăng cường quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự kỷ cương, văn minh đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng công tác quản lý đô thị; tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc đặc trưng của đô thị sông nước hạ lưu sông Mekong.
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác đối ngoại.
Sáu là, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho phát triển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực ưu tiên.