Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL: Ban chỉ đạo có như không

Những khiếm khuyết, sai sót tại Hợp phần B, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh năng lực hạn chế trong công tác điều hành, quản lý của Ban quản lý các dự án đường thủy - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Lỏng tay quản lý

Cho đến thời điểm này, nếu như chủ đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải/Cục Đường thủy Việt Nam) không giải trình được, thì Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5) sẽ là công trình hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA có số tiền bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính lớn nhất từ trước đến nay.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL: Ban chỉ đạo có như không ảnh 1

Cụ thể, theo Thông báo kết quả Kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Hợp phần B, Dự án WB5 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tổng số tiền mà đại diện chủ đầu tư - Ban quản lý các dự án đường thủy bị kiến nghị phải xử lý tài chính lên tới 295 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD), trong đó, thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước là 15,68 tỷ đồng; giảm trừ thanh toán là 4,89 tỷ đồng; xử lý khác là 274,4 tỷ đồng.

Đây cũng là một trong những lần rất hiếm hoi, Kiểm toán Nhà nước đã phải kiến nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với những sai phạm trong công tác lập dự án đầu tư; bố trí vốn và quản lý điều hành dự án.

Là một trong những cấu phần quan trọng nhất của Dự án WB5, Hợp phần B - xây dựng, cải tạo 2 hành lang đường thủy phía Nam có chi phí đầu tư 271 triệu USD, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 196 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 75 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí xây dựng này đã được “nới” 2 lần trong suốt gần 10 năm triển khai xây dựng (2008 - 2015).

Được biết, sai sót tại Hợp phần B, Dự án WB5 xuất phát ngay từ khâu khảo sát; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán.

Trong quá trình triển khai nhiều gói thầu xây lắp tại Hợp phần B, Dự án WB5 bị kéo dài thời gian thi công đến 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, đại diện chủ đầu tư đã không chỉ đạo tư vấn (Liên danh Louis Berger - Royal Hasoning - CECI) tổ chức khảo sát chi tiết, tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương và nhân dân dọc tuyến về vị trí các bãi đỗ thải giai đoạn thiết kế kỹ thuật làm cơ sở tổ chức đấu thầu các gói thầu nạo vét dẫn đến việc lập định mức dự toán nạo vét cho vị trí bãi đổ thải thiếu cơ sở làm tăng dự toán giá trị gói thầu lên gần 239 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư cũng không sát sao trong kiểm tra khiến cho việc lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chưa đúng với thực tế (lựa chọn biện pháp đóng cọc làm ảnh hưởng đến các hộ dân) dẫn đến việc phải thay đổi giải pháp kết cấu làm tăng chi phí 12,29 tỷ đồng (Gói thầu NW7.2a - xây dựng các cầu Kênh 7, Kênh 10, Kênh 12 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang do Công ty cổ phần Đạt Phương đảm nhận).

Ban chỉ đạo… vô vị!

Tới thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 5/2017), Hợp phần B đã cơ bản hoàn thành việc nạo vét, nâng cấp 190 km hành lang đường thủy số 2; xây dựng âu tàu Rạch Chanh và trung tâm điều khiển; nạo vét và nâng cấp 103 km hành lang đường thủy số 3 (đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong quá trình triển khai nhiều gói thầu xây lắp tại Hợp phần B, Dự án WB5 bị kéo dài thời gian thi công đến 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Ngoài những lý do khách quan như chậm giải phóng mặt bằng; điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, lỗi còn xuất phát từ công tác tổ chức thi công của nhà thầu, đặc biệt là việc không huy động đủ thiết bị thi công theo cam kết của hồ sơ dự thầu và tiến độ thi công chi tiết được duyệt.

Điều đáng nói là đại diện chủ đầu tư (Ban quản lý Các dự án đường thủy phía Nam, sau này là Ban quản lý Các dự án đường thủy) hiện vẫn chưa thực hiện thương thảo, xác định rõ nguyên nhân chậm tiến độ để xử phạt theo quy định của hợp đồng đối với các gói thầu chậm tiến độ.

Công tác quản lý thực hiện hợp đồng của đại diện chủ đầu tư cũng rất kém, có dấu hiệu buông lỏng, khi chấp nhận và phê duyệt cho nhà thầu chính ký hợp đồng giao việc cho các nhà thầu phụ vượt quá 30% giá trị hợp đồng; giao việc cho thầu phụ không nằm trong danh sách hồ sơ dự thầu cũng như danh sách thầu phụ được chủ đầu tư phê duyệt.

Cần phải nhắc lại rằng, những sai sót về giao vượt quá khối lượng cho nhà thầu phụ, hoặc giao việc cho nhà thầu phụ không nằm trong danh sách được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản, nếu căn cứ theo quy định tại Luật sửa đổi Luật Đấu thầu số 38/2009/QH12 và Nghị định 85/2009/NĐ - CP (ngày 15/10/2009) của Chính phủ, có thể được coi là có dấu hiệu bán thầu.

Do tính chất phức tạp với nhiều hợp phần (đường thủy, đường bộ), có nhiều cơ quan chủ quản (Bộ GTVT và 13 UBND tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); nhiều chủ đầu tư (Cục Đường thủy Việt Nam; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 13 chủ đầu tư đã được UBND các tỉnh quyết định), Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo chung nhằm điều phối các hoạt động của Dự án WB5.

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập (năm 2007) đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2017), các cơ quan liên quan vẫn chưa ban hành được Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của từng cá nhân, tổ chức tham gia Ban chỉ đạo. Đặc biệt, trong quá trình 10 năm triển khai, các bên liên quan chưa tổ chức họp để đánh giá tình hình để kịp thời điều chỉnh Dự án cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và UBND các tỉnh là không tốt, đặc biệt là trong công tác GPMB; nghiên cứu, khảo sát xác định nhu cầu sử dụng bùn thải để san lấp, nâng cấp các vùng đất trũng hay ao hồ của nhân dân địa phương dẫn tới lãng phí”,  Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng đánh giá.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục