3 dự án đường thủy, đường bộ tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông ĐBSCL

Cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là những dự án được Tư lệnh ngành giao thông đánh giá sẽ hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đột phá.
Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) Cảng Trần Đề (Sóc Trăng)

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Đại biểu Hồ Thanh Bình (Đoàn An Giang) đề cập việc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được Trung ương và bộ, ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh vì ở đây mới có tàu lớn. ĐBSCL có 21 cảng, nhưng cảng lớn nhất chỉ phục vụ cho tàu 20.000 tấn.

Để phát triển khu vực này, theo ông Thể, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu.

Trong kế hoạch của Bộ chuẩn bị trình Chính phủ, có quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác. Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10 km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. “Khi có cảng này, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá”, tư lệnh ngành giao thông nhận định.

Đồng thời, ông Thể cho biết, trong quy hoạch sẽ xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, giúp cảng đưa hàng hoá xuất nhập ra nước ngoài.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh rằng dự án này rất khả thi và mong các đại biểu ủng hộ.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục