Báo cáo phát triển bền vững: Còn nhiều điểm hạn chế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo kết quả đánh giá Quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2020, vai trò các bên có quyền lợi liên quan nhấn mạnh đến các hoạt động đảm bảo phát triển bền vững vẫn là khía cạnh thách thức đối với phần lớn doanh nghiệp.

Chính sách và hoạt động khen thưởng nhân viên cần gắn với hiệu quả hoạt động của công ty trong dài hạn hơn là trong ngắn hạn Chính sách và hoạt động khen thưởng nhân viên cần gắn với hiệu quả hoạt động của công ty trong dài hạn hơn là trong ngắn hạn

Vai trò bảo vệ môi trường và xã hội chưa rõ nét

Thông tư 155/2015/TT-BTC yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin về mục tiêu phát triển bền vững và báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, kết quả đánh giá qua các năm cho thấy, không ít doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ các thông tin được yêu cầu trong báo cáo. Xét theo vốn hóa, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn có tỷ lệ tuân thủ cao nhất và khá cách biệt với nhóm vốn hóa nhỏ.

Ths. Dương Huyền Phương, Nhóm đánh giá Quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2020, Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)
Ths. Dương Huyền Phương, Nhóm đánh giá Quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2020, Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Trên thực tế, đối với những doanh nghiệp đặt phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm song hành với mục tiêu tăng trưởng, mức độ thực hành và công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan luôn vượt lên trên các quy định mang tính tuân thủ. Đây là xu thế tất yếu khi thế giới đang dần thừa nhận vai trò bình đẳng giữa 3 trụ cột của phát triển bền vững là phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường.

Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường cũng chưa rõ nét. Kết quả đánh giá cho thấy, chỉ 4% doanh nghiệp đưa ra chính sách và các thực hành, mô tả nỗ lực trong việc đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất cung ứng dịch vụ. Đây là tiêu chí mới bổ sung năm nay, song cũng chỉ một nửa các doanh nghiệp niêm yết đáp ứng được tiêu chí đưa ra từ những năm trước, đó là có chính sách và thực tiễn bảo vệ môi trường gắn liền với quá trình hoạt động kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Trên thực tế, bên cạnh nâng cao nhận thức, các doanh nghiệp cũng phải cân đong nhiều vấn đề khi vận hành doanh nghiệp để vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa không làm ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận do đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường, xã hội. Do đó, doanh nghiệp có thể chọn lựa mục tiêu bảo vệ môi trường phù hợp và đề ra những chính sách và hoạt động thực tiễn bám sát mục tiêu đó, theo lĩnh vực và phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt khác, để công bố đầy đủ các nội dung liên quan đến trách nhiệm môi trường và xã hội, doanh nghiệp cần tham khảo hướng dẫn công bố thông tin trên Báo cáo thường niên của Thông tư 155/2015. Cụ thể, cần nêu chi tiết các thông tin liên quan đến việc quản lý nguồn nguyên vật liệu, mức tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước trong năm, từ đó trao đổi các sáng kiến nhằm tiết kiệm năng lượng, tái chế nguồn nguyên vật liệu và công bố minh bạch việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công tác bảo vệ quyền lợi khách hàng chưa được chú trọng

Tương tự vấn đề môi trường, các chính sách và thực hành nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện và trình bày thực sự thuyết phục cho các đối tượng bên ngoài công ty.

Doanh nghiệp cần có chính sách quy định các nghĩa vụ của mình liên quan đến bảo vệ quyền lợi của khách hàng và đăng trên website công ty, hoặc công bố chi tiết trong các báo cáo định kỳ hàng năm cho thấy các chính sách và hoạt động vì quyền lợi, an toàn và sức khỏe của khách hàng.

Chẳng hạn, công bố công khai chính sách hậu mãi, chính sách bồi thường thiệt hại, quy định cam kết về nguồn gốc sản phẩm và quy trình thực hiện dịch vụ, quy trình sản xuất hàng hóa đảm bảo sự an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc điểm của các sản phẩm và dịch vụ tài chính không chỉ được trình bày cụ thể đến khách hàng, mà còn phải được thông báo rõ mức độ rủi ro và lợi nhuận ước tính khi tham gia, cũng như có quy định đảm bảo và cam kết thực hiện đúng theo thỏa thuận…

Minh bạch chính sách khen thưởng, phát triển nhân viên

Theo kết quả đánh giá, số lượng doanh nghiệp công bố chính sách và hoạt động thực tiễn liên quan đến chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên, chính sách khen thưởng nhân viên gắn với hiệu quả hoạt động của công ty trong dài hạn còn hạn chế.

Doanh nghiệp trước hết cần soạn thảo chính sách khen thưởng và đăng trên website công ty hoặc đơn giản hơn là trình bày cụ thể hoạt động khen thưởng nhân viên trong các báo cáo hàng năm. Trường hợp công ty đang trong giai đoạn chưa thực hiện được trên thực tế thì cũng nên xây dựng và công bố chính sách này để tạo động lực cho các cá nhân cùng hoạt động hiệu quả.

Chính sách và hoạt động khen thưởng nhân viên cần gắn với hiệu quả hoạt động của công ty trong dài hạn hơn là trong ngắn hạn, ví dụ như chương trình phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP).

Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần công bố chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên website công ty, cũng như mô tả chính sách này tóm tắt trên các báo cáo hàng năm, thông tin cụ thể các hoạt động đào tạo trong năm…

Tỷ lệ báo cáo Phát triển bền vững có chất lượng còn ở mức thấp

Tại thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp đi đầu về quản trị công ty đã thực hiện Báo cáo phát triển bền vững tích hợp nội dung về các bên liên quan theo các tiêu chuẩn quốc tế và 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp chủ động thực hiện Báo cáo phát triển bền vững chất lượng chỉ chiếm khoảng 10% qua các năm đánh giá, chủ yếu là theo bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI).

Để cải thiện tình hình từ 90% doanh nghiệp còn lại, trước tiên tự thân các doanh nghiệp phải nhận thấy được tầm quan trọng của Báo cáo phát triển bền vững - nơi cung cấp các thông tin phi tài chính, là các chỉ tiêu quan trọng tác động tới quyết định đầu tư, đó cũng có thể là thông tin đánh giá được các rủi ro từ tác động đến môi trường và xã hội làm “đứt gãy” đà tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn.

Thiếu chính sách và kênh liên hệ báo cáo sai phạm

Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty đầu tiên của Việt Nam khuyến nghị: “Hội đồng quản trị cần xây dựng cơ chế cho phép nhân viên và các bên liên quan báo cáo sớm các sai phạm nhằm sớm nhận diện và xử lý kịp thời”. Theo thông lệ tốt về quản trị công ty, chính sách báo cáo sai phạm cần nêu cụ thể cách thức báo cáo, quy trình tiếp nhận, phản hồi ý kiến, xử lý khiếu nại, cũng như có quy trình và chính sách bảo đảm sự an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ người khiếu nại, kèm theo chi tiết thông tin các kênh liên hệ phù hợp, tin cậy.

Khi cung cấp thông tin liên hệ, doanh nghiệp cũng cần nêu rõ mục đích sử dụng kênh đó dành cho đối tượng nào, hoặc cho tất cả các bên có quyền lợi liên quan, đồng thời nêu rõ danh tính hoặc chức vụ người/bộ phận phụ trách tiếp nhận thông tin qua kênh này.

Thực tế, rất hiếm doanh nghiệp niêm yết đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu như thông lệ kể trên. Dù thực hiện quản trị công ty tốt, song một số doanh nghiệp còn đưa ra thông tin về các kênh liên hệ khá chung chung, chưa nêu rõ mục đích sử dụng thông tin liên hệ cho việc đóng góp ý kiến và báo cáo sai phạm.

Tóm lại, bên cạnh các lưu ý và khuyến nghị thực hiện hướng tới bảo vệ lợi ích các bên hữu quan của doanh nghiệp kể trên, doanh nghiệp với mong muốn phát triển bền vững cần phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống, bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp theo tầm nhìn và định hướng từ những người lãnh đạo cao nhất là Hội đồng quản trị.

Sau đó, Hội đồng quản trị chỉ đạo Ban Điều hành soạn thảo các chính sách cụ thể và thực hiện truyền đạt các chính sách này đến toàn thể người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội, phát triển cộng đồng tại nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, thực hiện các chính sách bảo đảm quyền lợi của khách hàng, sức khỏe và an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên…, bên cạnh mục tiêu bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông và tuân thủ pháp luật.

Ths. Dương Huyền Phương
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục