Tập đoàn Bảo Việt (BVH)
7 năm liên tục nằm trong TOP 5 báo cáo phát triển bền vững và 2 năm liên tiếp đạt giải Nhất báo cáo phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt đã đạt tầm chuẩn mực điển hình về việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
BVH đã tích hợp rất tốt các nội dung báo cáo theo Bộ tiêu chuẩn GRI Standards và 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào trong hoạt động và báo cáo của mình.
Là một trong những công ty luôn nỗ lực làm mới chính mình, Bảo Việt đã thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong từng kỳ báo cáo.
Chủ đề “Làm chủ công nghệ, bền vững tương lai” đã được thể hiện xuyên suốt và xuất sắc trong báo cáo 2018 của Bảo Việt, bao gồm cả nội dung và hình thức.
Báo cáo đã thể hiện rất rõ các quy trình quản trị, bao gồm đánh giá các vấn đề trọng yếu, các rủi ro, phản hồi và mong đợi của các bên liên quan, liên kết việc đánh giá này đến việc xây dựng các kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Tuy không được đảm bảo bởi bên thứ 3, nhưng quy trình kiểm toán nội bộ rõ ràng và minh bạch đã mang lại độ tin cậy cao cho báo cáo. Kết quả hoạt động được so sánh giữa các năm, với quy chuẩn và chỉ tiêu đề ra cũng là một điểm mạnh góp phần mang lại độ tin cậy cho báo cáo.
Báo cáo đã phân tích khá đầy đủ và chi tiết những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của bối cảnh kinh tế, môi trường và xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới đến hoạt động của Bảo Việt, cũng như những kế hoạch và hành động cụ thể để đón đầu những cơ hội và vượt qua thách thức để “bền vững tương lai” đúng như chủ đề của báo cáo. Báo cáo trình bày rõ những mục tiêu ngắn hạn đến 2020 và trung hạn đến 2025 của BVH.
Phần đồ họa được thực hiện công phu và sáng tạo giúp truyền tải rõ nhưng thông điệp và nội dung của báo cáo.
BVH cũng là một trong rất ít những công ty không chỉ thực hiện tốt phần báo cáo, mà còn thực hiện tốt phần truyền thông báo cáo đến các bên liên quan.
Do tính chất hoạt động của doanh nghiệp và phạm vi báo cáo lớn, nên độ dài của báo cáo là một thách thức không nhỏ đối với người đọc. Đây cũng là điểm BVH nên xem xét cải thiện trong những kỳ báo cáo tới.
Ví dụ, xây dựng phiên bản tóm tắt của báo cáo và/hoặc xây dựng lại bố cục của báo cáo, đưa những phần ít trọng yếu và có tính chất tham khảo vào phần phụ lục riêng.
Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (NVL)
Đây là năm thứ 2, NVL lập báo cáo phát triển bền vững (PTBV) riêng biệt. Điều này chứng tỏ sự quyết tâm và định hướng xuyên suốt của NVL trong việc cải thiện việc công bố thông tin liên quan đến vấn đề PTBV.
So với báo cáo của năm trước, NVL vẫn duy trì được các thế mạnh vốn có của mình như việc trình bày sáng tạo với nhiều biểu đồ, hình ảnh để truyền tải thông tin tốt hơn. Bố cục của báo cáo NVL cũng rất gọn gàng, giúp người đọc dễ dàng theo dõi thông tin hơn.
Về mặt quản trị, NVL vẫn tiếp tục duy trì Hội đồng PTBV trực thuộc Hội đồng quản trị để đảm bảo sự quan tâm cao nhất đến các vấn đề PTBV.
NVL cũng tăng cường độ tin cậy của các thông tin công bố về PTBV khi sử dụng kiểm toán nội bộ (trực thuộc Hội đồng quản trị) để kiểm toán lại một số chỉ tiêu về PTBV. Đây là một trong số ít công ty có sử dụng các đảm bảo nội bộ trong kỳ báo cáo năm nay.
Rút kinh nghiệm từ kỳ báo cáo năm trước, năm nay, NVL đã bắt đầu sử dụng các chỉ số định lượng theo chuẩn mực GRI để báo cáo các hoạt động về PTBV như tỷ lệ vật liệu thay thế được sử dụng.
Tuy nhiên, về mặt tổng thể, NVL vẫn thiếu khá nhiều nội dung trọng yếu của một doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực của mình. Đây có lẽ là nội dung mà NVL cần phải tập trung vào nhiều nhất nếu muốn cải thiện báo cáo của mình.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM)
Năm 2018, báo cáo phát triển bền vững (PTBV) của VNM được lập theo tiêu chuẩn GRI Standard với một cấu trúc rõ ràng, trình bày ngắn gọn, kết hợp với việc sử dụng các hình vẽ, minh họa và biểu đồ một cách hợp lý.
Báo cáo của VNM đã truyền tải một cách trực quan và đầy hiệu quả đến người đọc chiến lược và hành động cụ thể của Công ty trong PTBV.
Tính súc tích của báo cáo cũng được thể hiện rõ qua Thông điệp của Tổng giám đốc, đi thẳng vào các vấn đề trọng yếu của Công ty về PTBV, cho dù đó là các điểm tích cực hay là các mặt còn cần phải cải thiện.
Tiếp theo năm 2018, báo cáo đã thể hiện được sự gắn kết giữa hoạt động PTBV của VNM với bối cảnh PTBV thế giới nói chung và của nghành sữa Việt Nam nói riêng trên khung 17 mục tiêu PTBV của Liên hiệp quốc.
Năm nay, VNM đã đi vào thực chất hơn nữa trong Chiến lược PTBV của mình với việc bắt đầu tập trung ở các mục tiêu định hướng kinh tế tuần hoàn như tái chế, tái sử dụng đối với nguyên vật liệu, năng lượng và tài nguyên nước.
VNM cũng tạo nên nhiều ấn tượng tốt qua quy trình sản xuất với 100% trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo công nghệ yếm khí Biogas, 100% nước thải đầu ra được xử lý và tái sử dụng và hành động tiên phong trong nghành sữa hữu cơ.
Các chỉ tiêu về tỷ lệ tiêu thụ điện, năng lượng trên tấn sản phẩm, tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… là những minh chứng rất thuyết phục cho người đọc về sự nghiêm túc của VNM trong PTBV.
Tuy nhiên, cũng còn một số mặt VNM có thể hoàn thiện hơn về chiến lược kinh tế tuần hoàn của mình như quy trình thu gom bao bì tái chế (của VNM hoặc của Tetrapak), hoặc có các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu tái chế…
Với xác nhận độc lập bởi PwC, trên nền tảng hệ thống quản lý tiên tiến, áp dụng các chuẩn mực quốc tế cộng với quy trình kiểm toán nội bộ cụ thể, báo cáo VNM được đánh giá là có độ tin cậy cao.
Tuy nhiên, đúng theo thông điệp của Tổng giám đốc, khung quản trị PTBV của VNM cũng còn cần phải hoàn thiện thêm, ví dụ như có ủy ban riêng hay nhân sự riêng trong HĐQT phụ trách PTBV…
Ngoài ra, một số mặt báo cáo có thể cải thiện thêm như có các chỉ tiêu phấn đấu PTBV, môi trường cu thể, trung, dài hạn (xây dựng trên Mục tiêu chiến lược giai đoạn 2019-2021), bao gồm phân tích các hoạt động của nhà máy ở nước ngoài, mở rộng các chỉ tiêu PTBV yêu cầu từ nhà cung cấp, hoặc phân tích ảnh hưởng PTBV đến người tiêu dùng và khâu hậu bán hàng.
Nhìn chung, báo cáo VNM 2018 vẫn là một trong hai báo cáo hàng đầu của Việt Nam và là mục tiêu cho các công ty ngành sản xuất phấn đấu.
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG)
Trong suốt nhiều năm qua, DHG luôn cho thấy sự rất nhất quán trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và việc soạn lập một báo cáo phát triển bền vững có chất lượng.
Tương tự như các năm trước, các vấn đề cơ bản trong một báo cáo phát triển bền vững được DHG trình bày rất đầy đủ, thuyết phục và chặt chẽ.
Năm nay, DHG đã liên kết các hoạt động của mình với Kế hoạch hành động của quốc gia trong Chương trình Nghị sự 2030 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Nội dung báo cáo của DHG vẫn tiếp tục được duy trì bởi tính đầy đủ với nhiều chỉ số định lượng phù hợp với đặc thù của một doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm.
Ở góc độ quản trị, với tư cách là 1 trong 3 công ty ở Việt Nam được vinh danh trong dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN năm 2017, DHG tiếp tục cho thấy tính đảm bảo trong các hoạt động phát triển bền vững khi mô tả chi tiết cấu trúc quản trị và phương pháp tiếp cận bằng việc đánh giá các rủi ro có liên quan đến môi trường và xã hội.
Về mặt trình bày, tiếp tục sự đổi mới từ năm 2017, báo cáo năm 2018 của DHG được trình bày một cách gọn gàng và theo trình tự của các tiêu chuẩn GRI với nhiều hình ảnh.
DHG có thể cải thiện báo cáo của mình thông qua việc công bố rõ ràng các lựa chọn của mình cho việc áp dụng các chuẩn mực báo cáo của GRI, cũng như việc công bố phương pháp quản lý (management approach) đối với các chủ đề trọng yếu được lựa chọn.
Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA)
Năm 2018 là năm đầu tiên AAA lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt. Ngay trong bản báo cáo đầu tiên này, AAA đã lập báo cáo phù hợp theo Bộ tiêu chuẩn GRI và cấu trúc rõ ràng và chặt chẽ.
Do đó, phần lớn báo cáo thể hiện đầy đủ và có hệ thống các thông tin về phát triển bền vững cơ bản như chiến lược phát triển bền vững, đánh giá các bên liên quan, đánh giá trọng yếu, phương pháp quản trị...
Báo cáo cũng phản ánh khá chi tiết về các chỉ tiêu về môi trường như các loại năng lượng mà doanh nghiệp sử dụng (điện, nước…), khối lượng nước sử dụng và khối lượng nước tái chế, hay lượng chất thải mà doanh nghiệp thải ra trong quá trình sản xuất.
Cụ thể là doanh nghiệp tăng được tỷ trọng sợi tái chế lên 16,2% trong cơ cấu doanh thu, vượt 2,2% so với kế hoạch 2018…
Báo cáo của AAA không chỉ nêu thành tích, mà còn đề cập và phân tích những thay đổi chưa tích cực như Chỉ số Carbon Footprint trong năm 2018 tăng so với 2017…
Việc này chủ yếu do Công ty mở rộng quy mô và gia tăng công suất từ dự án TB5. Các vấn đề về xã hội cũng được báo cáo một cách đầy đủ.
Các vấn đề liên quan đến nhân viên như lương thưởng, chính sách phát triển, môi trường làm việc, an toàn lao động… bước đầu được đề cập trong báo cáo.
Một điểm đáng ghi nhận của AAA là việc báo cáo phương pháp tiếp cận cho từng lĩnh vực trọng yếu, điều mà rất ít báo cáo khác làm được theo như hướng dẫn của GRI.
Về mặt chiến lược, Báo cáo đã phân tích chi tiết môi trường thế giới và khu vực và đánh giá ảnh hưởng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh liên kết đến 17 mục tiêu SDG của Liên hợp quốc.
Thông điệp của Chủ tịch HĐQT đã thể hiện rõ việc lồng kết phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất kinh doanh. Đồng thời Công ty cũng đã có những hành động tiên phong phát triển các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường trong khu vực, thành viên Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu.
Một điểm sáng của AAA là doanh nghiệp đã đặt ra được “Mục tiêu phát triển bền vững trung hạn 2019-2023”. Cụ thể, tăng tỷ trọng sợi tái chế theo mục tiêu năm 2018 từ 14% lên 30% vào năm 2020; tiếp tục nâng cao tỷ trọng sản xuất sợi tái chế từ hạt nhựa Recycled PET chip trong năm 2018 (16,2%) và kế hoạch 2019 (26,5%)…
Cũng có thể do là lần đầu tiên lập báo cáo riêng, nên các nội dung mô tả phương pháp tiếp cận của AAA chưa hoàn toàn tuân thủ theo GRI. Các chỉ số báo cáo đối với đơn vị báo cáo lần đầu là rất thuyết phục, mặc dù có một số chỉ số cách báo cáo còn chưa theo đúng các thông lệ tốt.
AAA được ghi nhận Giải “Tiến bộ vượt trội” về báo cáo phát triển bền vững.
Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Sau một năm làm báo cáo PTBV và tổng hợp thành một phần trong báo cáo thường niên, IMP đã quay lại lập báo cáo PTBV riêng biệt trong năm nay và đã cho thấy có sự tiến bộ so với năm trước đó.
Báo cáo được trình bày chặt chẽ với chiến lược 5P xuyên suốt báo cáo, nổi bật được trọng tâm xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ lựa chọn nhà cung cấp/nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào, cho đến quá trình sản xuất và hệ thống phân phối sản phẩm.
Về quản trị, IMP cũng có sự tiến bộ so với năm trước. Chiến lược phát triển bền vững được quản trị bởi Ban PTBV, với Chủ tịch HĐQT là Trưởng ban và các thành viên có liên quan từ các bộ phận khác nhau, với thông điệp “Quản trị bền vững vì khát vọng dẫn đầu”.
Báo cáo được lập theo chuẩn GRI standard, mặc dù không đưa ra lựa chọn rõ ràng là Cốt lõi (Core) hay Toàn diện (Comprehensive), song từng mục trong báo cáo được tham chiếu cụ thể và đầy đủ đến các hướng dẫn của GRI standard.
Các thông tin cơ bản của báo cáo PTBV được trình bày đầy đủ, đặc biệt nội dung về xác định bên liên quan và trao đổi thông tin với các bên liên quan để xác định các lĩnh vực trọng yếu được trình bày tốt.
Tuy vậy, để có một báo cáo hoàn thiện, một số nội dung IMP có thể được tăng cường thêm như: các chỉ tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chưa được lượng hóa cụ thể trên báo cáo, chưa đưa ra phương pháp tiếp cận cụ thể để để đo lường, báo cáo và hạch toán các chỉ tiêu, Phương pháp luận để đánh giá lĩnh vực trọng yếu còn chưa hoàn chỉnh.
Cách trình bày còn khá chân phương, đơn giản, dựa nhiều vào bảng biểu.
Công ty cổ phần Traphaco (TRA)
TRA tiếp tục trung thành với chiến lược “Kiến tạo giá trị bền vững - con đường sức khỏe xanh” và thể hiện trọng tâm này xuyên suốt trong toàn báo cáo phát triển bền vững năm 2018 của mình.
Với việc phân tích các thách thức từ biến đổi khí hậu, các cơ hội từ xu hướng phát triển bền vững (như yếu tố con người, yếu tố hành vi tiêu dùng), tới các xu hướng phát triển bền vững của ngành dược trên thế giới; kết hợp với việc tiếp cận và ghi nhận ý kiến phản hồi của các bên liên quan, TRA đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược dài hạn trong “Sứ mệnh tiên phong sáng tạo dược phẩm xanh bảo vệ sức khỏe con người”, với chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sạch, hệ thống phân phối, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Tích hợp chặt chẽ chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh sản xuất, với phương pháp tiếp cận và quản lý rõ ràng đối với mỗi chủ đề trọng yếu.
TRA cũng là một trong số ít công ty có những bước đầu khích lệ trong việc xem xét đến mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau, và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất
và sử dụng.
Báo cáo phát triển bền vững được trình bày với cấu trúc đơn giản, dễ hiểu và bám sát yêu cầu của GRI standards. Mặc dù vậy, TRA chưa đưa ra lựa chọn rõ ràng về áp dụng theo hình thức cốt lõi (core) hay toàn diện (comprehensive).
Báo cáo được thể hiện tốt đã giúp TRA đạt TOP 5 với Giải thưởng về “Tính đầy đủ”. Tuy vậy, TRA cần nghiên cứu cách thức trình bày báo cáo sáng tạo, hấp dẫn và có hồn hơn trong các năm tới.
Ngoài ra Công ty cũng nên lưu ý tránh một số điểm trừ như lỗi chính tả, tham chiếu chưa hoàn thiện, hay đưa ra chỉ tiêu chiến lược cụ thể hơn. Cùng với đó, nên tăng cường tính so sánh của các thông tin bằng cách đưa ra chỉ tiêu và so sánh với chỉ tiêu, cũng như so sánh với các năm trước, thay vì chỉ trình bày số liệu của 1 năm như hiện tại.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN)
Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) của PAN năm 2018 một lần nữa được lọt vào TOP 10.
Trong báo cáo năm nay, PAN đã cho người đọc thấy được các nỗ lực không ngừng trong PTBV, bao gồm cải tiến công nghệ nuôi thủy sản thân thiện môi trường để bảo vệ nguồn nước tại Aquatex Bến Tre, Sao Ta;
Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển những sản phẩm nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Vinaseed, PAN-HULIC; tận dụng các nguồn phế thải như ủ phân compost, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tận dụng trấu làm nhiên liệu hay tuần hoàn các dòng vật liệu để tiết kiệm năng lượng trong hệ thống sản xuất…
Một lần nữa, PAN khẳng định định hướng PTBV của mình là dựa trên “Nông nghiệp công nghệ cao”, cụ thể ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, áp dụng các quy trình sản xuất, canh tác an toàn và thân thiện môi trường, hay những đầu tư nghiêm túc vào hoạt động nghiên cứu phát triển.
Báo cáo được lập theo Bộ tiêu chuẩn GRI, chuẩn mực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nên khá đầy đủ. Mặc dù cấu trúc Tập đoàn tương đối phức tạp, nhưng báo cáo đã nêu rõ được các chi nhánh và hoạt động của PAN, phạm vi cũng như mục đích của báo cáo.
Việc xác định nội dung báo cáo, sự tham gia của bên liên quan trong nội bộ và bên ngoài được thể hiện rất tốt, nêu rõ cơ chế tham vấn và hành động phản hồi, cũng như đánh giá mức độ trọng yếu và xem xét gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Về quản trị, PAN là tập đoàn đi đầu trong việc thành lập Tiểu ban Môi trường xã hội và PTBV trực thuộc HĐQT và bộ phận PTBV riêng với nhiệm vụ cụ thể. Quản trị rủi ro cũng được báo cáo nêu chi tiết, bao gồm phân tích cả những thách thức trong PTBV 2019.
Các chỉ tiêu về môi trường - xã hội được trình bày rõ ràng và đặc biệt, báo cáo của PAN có cải thiện so với năm trước khi dành một phần riêng trình bày mục tiêu tương lai trong 2019 và giai đoạn tiếp theo.
Một trong những hạn chế cơ bản của báo cáo là còn ít các chỉ tiêu định lượng, nếu có thì cũng ít sự phân tích. Đồng thời, báo cáo vẫn chưa bao gồm số liệu so sánh qua các thời kỳ của các công ty thành viên.
Công ty cổ phần Vicostone (VCS)
Báo cáo VCS năm 2018 được xây dựng phù hợp theo Bộ tiêu chuẩn GRI (tùy chọn Cốt lõi) có tham chiếu và cấu trúc rõ ràng.
Báo cáo cũng phân tích chi tiết môi trường thế giới và khu vực và đánh giá ảnh hưởng đến phát triển bền vững (PTBV) của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh liên kết đến 17 mục tiêu SDG của Liên hợp quốc.
Thông điệp của Chủ tịch HĐQT đã thể hiện rõ việc lồng kết PTBV vào chiến lược sản xuất - kinh doanh với định hướng cốt lõi: “Khác biệt và sáng tạo để phát triển bền vững”.
Đồng thời, VCS cũng đã có những hành động thiết thực theo xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn như chú trọng tới vấn đề quản lý hiệu quả nguồn nguyên vật liệu và tái sử dụng trong sản xuất - kinh doanh, tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nghiên cứu phát triển các vật liệu sinh thái, an toàn với môi trường và người sử dụng, cụ thể là “Nghiên cứu chế tạo vật liệu compozit sinh thái từ dầu lanh epoxy hóa gia cường bằng thạch anh và thủy tinh, ứng dụng trong sản xuất đá hoa cương nhân tạo” và nghiên cứu tái sử dụng bột đá thải trong sản xuất đá nhân tạo để sản xuất các loại vữa khô trộn sẵn gốc xi măng (keo lát nền, vữa xây, vữa ốp tường…).
Tuy nhiên, báo cáo chưa đề cập chi tiết lợi ích cụ thể, chẳng hạn nguyên vật liệu tiết kiệm, hoặc bao nhiêu phần trăm bột đá thải đã/hoặc dự tính sử dụng...
Báo cáo cũng đề cập chi tiết đến Chương trình Kaizen - 5S với khẩu hiệu “cải tiến không ngừng, gọn từng vị trí, không khí trong lành” là một minh chứng cho việc không ngừng sáng tạo để PTBV.
Về quản trị, báo cáo đã phân tích rõ các bên liên quan, xác định các điểm trọng yếu, các chỉ tiêu môi trường bền vững.
Cơ chế quản trị rủi ro về HSEQ và PTBV cũng được nêu rõ. Báo cáo cũng đã trình bày rõ quy trình và các tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, bao gồm cả tiêu chí về môi trường và an toàn.
Tuy nhiên, trọng số của tiêu chí này chỉ là một phần nhỏ trong các chỉ tiêu đánh giá (nhỏ hơn 10%). Sẽ tốt hơn nếu như VCS xây dựng chỉ tiêu này như là một yêu cầu đạt hay không đạt (pass/fail) để có thể chọn lựa nhà cung cấp có chuẩn an toàn môi trường nhất định.
Ngoài ra, do VCS chưa có tiểu ban PTBV thuộc HĐQT và kiểm toán nội bộ hoặc hình thức đảm bảo khác…, nên mức độ tin cậy của báo cáo nói chung còn bị hạn chế.
Về các chỉ tiêu PTBV định lượng, báo cáo của VCS đã trình bày số liệu qua nhiều năm và bao gồm phân tích rõ ràng.
Báo cáo có bố cục thống nhất và rõ ràng bao gồm các phần tóm tắt, nhưng chưa thể hiện được trọng tâm và đôi khi còn nhiều miêu tả tương đối dài. Về hình thức, báo cáo có các minh họa khá sâu sắc, phù hợp chủ đề.
Trở lại TOP 10 sau 3 năm vắng bóng, báo cáo PTBV của VCS năm nay có nhiều tiến bộ rõ rệt. Là công ty duy nhất của sàn HNX lọt vào TOP 10 Giải báo cáo PTBV, VCS đã xác lập cho mình một định hướng PTBV rõ ràng.
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK)
3 năm liên tiếp lọt vào TOP 10 báo cáo phát triển bền vững (PTBV) là một thành tích đáng khích lệ đối với STK. Điều này cũng là một minh chứng cho việc thực hiện cam kết PTBV mà STK đặt ra, không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế, mà còn luôn quan tâm đến việc thực hiện những biện pháp bảo vệ môi trường và tạo ra các tác động tích cực về mặt xã hội.
Báo cáo năm nay được lập theo chuẩn GRI. Từng mục trong báo cáo được tham chiếu cụ thể và đầy đủ đến các hướng dẫn của GRI. So với năm trước, STK đã hoàn thiện hệ thống quản trị qua việc xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ.
Báo cáo cũng trình bày rõ quy trình quản trị, từ việc lên kế hoạch, đặt chỉ tiêu, theo dõi và đánh giá việc thực hiện hàng tuần qua các cuộc họp giao ban và hàng tháng đến Ban Điều hành, nhằm kịp thời đưa ra những biện pháp phù hợp để khắc phục, cải thiện hoặc nâng cấp các chỉ tiêu, khi cần thiết.
STK cũng là một trong số ít đơn vị thực hiện báo cáo hàng tháng với các chỉ tiêu PTBV. Ngoài ra, báo cáo còn được kiểm toán độc lập của bên thứ 3. Rất tiếc, báo cáo chưa bao gồm những bằng chứng cụ thể của quy trình quản trị này.
Báo cáo 2018 của STK thể hiện rõ việc đánh giá các rủi ro về kinh tế, môi trường và xã hội và đưa ra những kế hoạch cụ thể đối với từng rủi ro.
Báo cáo trình bày rõ việc gắn kết các lĩnh vực trọng yếu trong năm với 17 mục tiêu PTBV (SDGs) của Liên hợp quốc. Báo cáo bao gồm các chỉ tiêu ngắn hạn đến 2020 (2019-2020) và trung hạn đến 2023 (2019-2023).
Về trình bày, báo cáo vẫn trung thành với cách tiếp cận chân phương mang đậm tính cách công nghiệp, sử dụng nhiều bảng biểu kết hợp với một số ít biểu đồ hoặc hình ảnh thực tế của doanh nghiệp để minh họa.
Có thể trong các kỳ báo cáo tới, doanh nghiệp nên chuyển đổi nhiều hơn các bảng số liệu sang biểu đồ để nâng cao tính trực quan và làm cho báo cáo thoáng hơn, hấp dẫn người đọc hơn. Ngoài ra, STK nên xem xét chọn lọc lại những số liệu chủ chốt, chính yếu và có sự so sánh trực tiếp với các chỉ tiêu đề ra và với các quy định của ngành trong nước hoặc trong khu vực, nếu có thể.
Là một doanh nghiệp có quy mô không quá lớn, nhưng STK đã thể hiện sự đầu tư, nỗ lực cao để có được một báo cáo PTBV riêng, bài bản.
Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD)
PVD là một cái tên quen thuộc ở “vòng chung kết” của cuộc bình chọn và năm nay, điều đó cũng không phải là ngoại lệ.
Khủng hoảng giá dầu từ cuối năm 2014 đã có dấu hiệu phục hồi và kết hợp với định hướng đưa dịch vụ ra nước ngoài của PVD đã góp phần giúp PVD khởi sắc so với năm 2017.
Năm 2018, với chủ đề “Giữ lửa” PVD đã trình bày một cách tổng hợp các thách thức về các vấn đề phát triển bền vững (PTBV), cũng như cách thức mà PVD lựa chọn để đạt được mục tiêu của mình.
Tương tự các năm trước, báo cáo của PVD đã trình bày một cách đầy đủ, chặt chẽ phương pháp luận, trong đó phần đánh giá trọng yếu và các bên liên quan được thực hiện khá chi tiết và đầy đủ.
PVD cũng có đề cập đến các mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc và Việt Nam cùng cách thức PVD áp dụng các mục tiêu này. Các chỉ tiêu PTBV mà PVD sử dụng cũng có tính so sánh cao vì khá tiêu chuẩn tương tự như các doanh nghiệp khác trong ngành.
Ngoài ra, việc có thể duy trì và phát triển hệ thống quản lý tích hợp An toàn - Sức khỏe - Môi trường - Chất lượng (HSEQ) theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giữ vững hiệu suất hoạt động cao đồng thời đảm bảo các yêu cầu về môi trường là thành tích rất đáng kể trong điều kiện hoạt động của Công ty vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng giá dầu của các năm trước.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng so với các đơn vị khác, PVD vẫn còn một số điểm cần cải thiện. Thứ nhất, PVD chỉ áp dụng hướng dẫn G4, thay vì các chuẩn mực GRI. So với các công ty khác lọt vào TOP 10, PVD thay đổi có phần chậm hơn.
Thứ hai, việc thiếu GRI-Index với một báo cáo khá nhiều thông tin như của PVD khiến việc theo dõi trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, báo cáo khá nhiều chữ, thay vì các đồ họa, cũng có thể làm giảm khả năng truyền tải thông điệp đến cho người đọc.
Với sự phục hồi của ngành dầu khí, mong rằng PVD sẽ có các cải thiện mạnh mẽ hơn trong báo cáo năm tới.