Phòng xa rủi ro thương hiệu nhờ báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Năm 2019, Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông khi một số trang báo đưa ra nghi vấn doanh nghiệp xả thải ra môi trường không đạt chuẩn. Thông tin không chính xác, song cũng khiến VCS mất nhiều công sức ứng xử, tuy vậy giới đầu tư lại có niềm tin chắc chắn vào doanh nghiệp.
17 mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc 17 mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc

Giới đầu tư tin tưởng rằng, khi VCS có thị trường chính là các thị trường phát triển, coi trọng phát triển bền vững, trong đó có các yếu tố như môi trường, trách nhiệm xã hội, các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG)… thì doanh nghiệp không thể coi nhẹ các yếu tố này trong sản xuất kinh doanh.

Thực tế, báo cáo phát triển bền vững 2018 của VCS được công bố trên website của Công ty, xây dựng theo Bộ tiêu chuẩn GRI, đã mô tả và trình bày chi tiết nhiều thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp sản xuất xanh, phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Báo cáo phân tích chi tiết môi trường thế giới, khu vực và đánh giá ảnh hưởng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh liên kết đến 17 mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc.

Công ty đã có những hành động thiết thực theo xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn như chú trọng tới vấn đề quản lý hiệu quả nguồn nguyên vật liệu và tái sử dụng trong sản xuất kinh doanh, tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu phát triển các vật liệu sinh thái, an toàn với môi trường và người sử dụng.

Sau 3 năm vắng bóng, Báo cáo Phát triển bền vững của VCS đã được bình chọn TOP 10 trong cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên và Báo cáo Phát triển bền vững thường niên do các Sở giao dịch chứng khoán và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức. Tuy vậy, giá trị lớn hơn và quan trọng hơn là báo cáo đã góp phần tạo niềm tin với các nhà đầu tư, giảm các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo phát triển bền vững còn được xem là công cụ hỗ trợ có thể đo lường được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và của Liên Hợp Quốc. Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030 là một cam kết đặt nền móng trên quy mô toàn cầu để đi đến chấm dứt nghèo đói và đặt thế giới vào quỹ đạo vững chắc tiến tới sự phát triển mang tính bao trùm.

Tại Việt Nam, chương trình nghị sự đã được ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Trong đó, một số vấn đề như: bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo..., là những mục tiêu rất khó đo lường. 

Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) - đơn vị chấm điểm báo cáo phát triển bền vững trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019 đánh giá, mặt bằng chất lượng báo cáo có bước tiến rõ rệt so với năm trước đó. Nhiều doanh nghiệp quan tâm làm tốt ấn phẩm phát triển bền vững. Theo đó, 100% các doanh nghiệp có báo cáo thuộc Top 10 đều áp dụng các chuẩn mực/hướng dẫn của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI).

Đơn cử, 7 năm liên tục nằm trong TOP 5 báo cáo Phát triển bền vững và 2 năm liên tiếp đạt giải Nhất báo cáo Phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã tích hợp rất tốt các nội dung báo cáo theo Bộ tiêu chuẩn GRI và 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vào trong hoạt động và báo cáo của mình. Thông qua công cụ này, Bảo Việt đã thể hiện rất rõ ràng, là một trong những công ty luôn nỗ lực làm mới chính mình, liên tục sáng tạo và đổi mới, từ đó gặt hái được nhiều thành công.

ACCA nhận xét, đây đều là những doanh nghiệp thể hiện được rõ ràng sự gắn kết chiến lược phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó tính tin cậy của các báo cáo tăng lên thể hiện trên nhiều mặt.

Thứ nhất, cấu trúc quản trị tốt hơn, nhiều doanh nghiệp có bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng trực thuộc hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc và sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ chuỗi giá trị; thứ hai, số lượng các báo cáo được đảm bảo bởi bên thứ ba hoặc bởi kiểm toán nội bộ gia tăng; thứ ba, một số doanh nghiệp đã thực hiện mô tả quy trình thu thập thông tin hàng tháng, thay vì đợi đến kỳ báo cáo năm để thu thập dữ liệu. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo bằng tiếng Anh tăng lên, tạo điều kiện truy cập tốt hơn cho các cổ đông/nhà đầu tư nước ngoài.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục