Cổ đông lớn cũng yếu thế

(ĐTCK) Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia có nhiều cải thiện về bảo vệ quyền cho cổ đông. Tuy nhiên, tại không ít doanh nghiệp, cổ đông lớn cũng yếu thế.
Không ít trường hợp, cổ đông lớn gặp khó khăn khi muốn tham gia quản trị doanh nghiệp Không ít trường hợp, cổ đông lớn gặp khó khăn khi muốn tham gia quản trị doanh nghiệp

Hội đồng quản trị cũ “cố thủ”

Hơn 1 năm qua, giá cổ phiếu KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình dao động quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phiếu, do lợi nhuận ở mức thấp, thậm chí thua lỗ. Cụ thể, Công ty có vốn điều lệ 290,7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 54 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2017 lãi chưa đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, tại KHB có những dấu hiệu yếu kém, thiếu minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 của KHB cho biết, kiểm toán không thể thu thập được thông tin tài chính một cách chính đáng về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của các hợp đồng hợp tác kinh doanh của KHB với 2 công ty khác; chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc ghi nhận doanh thu, giá vốn hàng bán; KHB chưa trích lập đủ dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính, khấu hao tài sản cố định...

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 87 trên tổng số 190 nền kinh tế được xếp hạng về mức độ bảo vệ cổ đông nhỏ. So với các nước trong khu vực, mức xếp hạng về bảo vệ cổ đông nhỏ của Việt Nam cao hơn Philippines (xếp thứ 137), Lào (xếp thứ 165), nhưng thấp hơn Malaysia (thứ 3), Thái Lan (thứ 27), Indonesia (thứ 70)...   

Trước đó, ngày 11/8/2016, KHB bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 200 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định và báo cáo có nội dung không chính xác về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ trong năm 2014 (tăng vốn điều lệ từ 62,7 tỷ đồng lên 262,7 tỷ đồng).

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 29/6, Đại hội đã miễn nhiệm toàn bộ 5 thành viên Hội đồng quản trị cũ và bầu mới 4 thành viên (trong đó có 3 ứng viên do nhóm cổ đông mới giới thiệu). Tuy nhiên, từ đó đến nay, Hội đồng quản trị cũ, Ban tổng giám đốc KHB không bàn giao lại tài sản, hồ sơ, tài liệu Công ty cho Hội đồng quản trị mới.

“Hội đồng quản trị mới đã gửi đơn đi các nơi, mà chưa có cơ quan nào đứng ra để bảo vệ quyền được làm chủ doanh nghiệp của cổ đông”, một cổ đông KHB cho biết.

Tại Công ty cổ phần Bất động sản Đà Lạt (DLR) và không ít doanh nghiệp khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cổ đông lớn, thậm chí sở hữu chi phối, bị vô hiệu hóa quyền tham gia quản trị công ty.

Giải pháp nào?

“Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tổ chức đúng quy định, Hội đồng quản trị mới được bầu đúng quy định, thì Hội đồng quản trị cũ phải tuân thủ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó. Nếu Hội đồng quản trị cũ cố tình không tuân thủ, không bàn giao công việc, giấy tờ, tài liệu..., có lẽ phải nhờ đến Tòa án để giải quyết”, một luật sư nói.

Ông Tống Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, cần có các quy định nhằm hạn chế tình trạng Hội đồng quản trị chống lại quyền làm chủ của đa số cổ đông.

“Cần có cơ chế hợp tác giữa các cơ quan liên quan. Ví dụ, sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Kế hoạch Đầu tư… để trong trường hợp nhóm nhà đầu tư sở hữu chi phối vốn điều lệ doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, ví dụ 6 tháng trở lên, thì phải cho họ quyền thay Hội đồng quản trị và làm con dấu mới, bất kể Hội đồng quản trị cũ có hợp tác hay không. Cũng có thể tính đến việc lập “sổ đen” cho những trường hợp cố tình vi phạm, với các mức chế tài nặng hơn, thậm chí là cấm vĩnh viễn tham gia quản trị các công ty đại chúng, để tăng tính răn đe”, ông Tuấn nói.

“Tôi cho rằng, Hội đồng quản trị phải là những người đại diện cho các cổ đông. Trong trường hợp các thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp không sở hữu lớn hoặc đại diện sở hữu lớn, mà cố tình không bàn giao doanh nghiệp, tôi cho rằng, doanh nghiệp có những khúc mắc về quản trị, thậm chí là rút ruột công ty. Những trường hợp này gây suy giảm nghiêm trọng niềm tin trên thị trường chứng khoán”, giám đốc quản lý danh mục một công ty quản lý quỹ nhận xét.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, vị này cho biết, bản thân ông trong quá trình đầu tư cũng gặp không ít trường hợp như vậy, rất khó để tham gia quản trị doanh nghiệp.

“Rút kinh nghiệm, chúng tôi thường phải đạt được thỏa thuận về vai trò của cổ đông lớn trong Hội đồng quản trị trước khi đầu tư”, vị giám đốc quản lý danh mục chia sẻ.

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục