Sửa Luật Chứng khoán: Sẽ phạt nặng lãnh đạo sai phạm về quản trị

(ĐTCK) Trước thực tế sai phạm tại các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản trị công ty như hiện nay, một số thành viên Tổ soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cho biết, sẽ đề xuất điều chỉnh các hình thức xử phạt nhằm tăng tính răn đe.
Sửa Luật Chứng khoán: Sẽ phạt nặng lãnh đạo sai phạm về quản trị

Khó chứng minh vi phạm

Báo chí và thị trường đã phản ánh dấu hiệu sai phạm tại nhiều công ty niêm yết như: Mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, sử dụng vốn sai mục đích, tăng vốn “ảo”, không minh bạch thông tin… Thế nhưng, sau các đợt thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, có rất ít quyết định xử phạt được ban hành; trong đó, đa số trường hợp là phạt tiền với giá trị thấp, bởi khung phạt tiền theo quy định ở mức thấp.

Đáng chú ý là các trường hợp nhà đầu tư bức xúc cho rằng, họ bị doanh nghiệp “rút ruột” thông qua tăng vốn ảo bằng phát hành cổ phần để hoán đổi lấy doanh nghiệp khác, mua lại doanh nghiệp, tài sản khác...

Cơ quan thanh tra, giám sát vào cuộc, nhưng không thể kết luận doanh nghiệp sai phạm khi nội dung đó có trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được ban hành đúng luật, có văn bản định giá doanh nghiệp hoán đổi/mua lại được ký bởi tổ chức định giá độc lập. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp tăng vốn trước khi đại chúng hóa và niêm yết, nên cơ quan thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán không có cơ sở pháp lý để xử phạt.

Có những doanh nghiệp, thị trường nghi ngờ con số doanh thu, lợi nhuận và cho rằng có yếu tố không minh bạch. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, báo cáo kiểm toán hợp lệ, hồ sơ kiểm toán đầy đủ và đúng quy định.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số thành viên đoàn thanh tra/kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, bản thân họ trong nhiều trường hợp cảm thấy bức xúc trước các vấn đề của doanh nghiệp, nhưng theo quy định pháp luật, doanh nghiệp không sai.

“Nếu hồ sơ của doanh nghiệp tròn trịa thì chúng tôi không thể quy lỗi cho họ được. Còn nếu đó là hồ sơ giả mạo, thì đó là phạm trù khác, thuộc cơ quan điều tra. Chúng tôi luôn lắng nghe phản ánh từ thị trường và làm việc với doanh nghiệp khi có phản ánh, nhưng không phải trường hợp nào cũng ra vấn đề, hoặc thuộc thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Không thể kết luận sai phạm nếu hồ sơ đủ và không đủ căn cứ pháp lý”, một thành viên cơ quan thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói và kỳ vọng, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giải quyết được cơ bản các bất cập hiện hành.

Cân nhắc đề xuất tăng hình thức xử phạt

Đã có nhiều quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên quan đến các lỗi quản trị, trong đó chủ yếu là lỗi về giao dịch với người có liên quan, không công bố thông tin hoặc không công bố thông tin kịp thời, thiếu sót về mặt quản trị, công bố thông tin sai lệch… Tuy nhiên, mức xử phạt không lớn và đối tượng bị xử phạt hầu hết là doanh nghiệp, chứ không phải cá nhân cụ thể.

Thực tế, không phải mọi sai phạm đều nhằm mục đích trục lợi cá nhân, bởi thống kê cho thấy, rất nhiều lỗi quản trị có nguyên nhân từ sự hiểu biết quy định pháp luật chưa đầy đủ; có trường hợp, quy định của pháp luật chưa theo kịp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Trong những trường hợp này, mức xử phạt thấp mang ý nghĩa nhân văn với doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng với các trường hợp cố tình vi phạm, mức phạt theo quy định chưa đủ sức răn đe.

Gần đây, thông tin về việc nhóm thành viên Ban lãnh đạo cũ của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (KHB) không bàn giao tài liệu cho Ban lãnh đạo mới, không hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra theo yêu cầu…, khiến thị trường bức xúc.

“Tôi không hiểu vì đâu tồn tại cơ chế để Ban lãnh đạo cũ của KHB vô hiệu cổ đông như thế. Vấn đề này không được giải quyết triệt để sẽ cho thấy sự yếu kém trong quy định pháp lý của Việt Nam về bảo vệ cổ đông và các trường hợp tương tự có thể phát sinh. Khi ấy, thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu?”, một nhà đầu tư nói.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về khả năng cấm có thời hạn những trường hợp ban lãnh đạo doanh nghiệp cố tình vi phạm nghiêm trọng quy định về quản trị như quy định tại Bộ luật Hình sự, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, bản thân ông cũng “đau đầu” với một số trường hợp đang tồn tại trên thị trường chứng khoán. Lần sửa luật này sẽ cân nhắc đề xuất tăng hình thức xử phạt với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về quản trị.

“Hiện nay, với những lỗi nghiêm trọng về quản trị như tội cố ý công bố thông tin sai lệch, hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, mức xử phạt bổ sung có thể là cấm huy động vốn, cấm hoạt động một số lĩnh vực trong khoảng thời gian nhất định; các cá nhân mắc lỗi này có thể bị xử phạt tù. Tuy nhiên, việc hình sự hóa các lỗi này không dễ, còn quy định xử phạt chứng khoán hiện hành chủ yếu xử phạt tổ chức.

Chúng tôi đang nghiên cứu phương án xử phạt trách nhiệm cá nhân, cấm tham gia điều hành, hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, công ty có có lợi ích công chúng, để tăng tính răn đe”, vị này nói.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục