Bên cạnh Công ty Dược phẩm Bắc Ninh (xem thêm bài Phát hành chui vẫn tăng vốn… bình thường) thì Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 37 tỷ đồng), Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu 1 (tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 347,8 tỷ đồng), Công ty cổ phần Khoáng sản 3-VIMICO, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng… là những doanh nghiệp (DN) đã phát hành "chui" cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Ứng xử ra sao với thực trạng này, nhìn từ phía cổ đông đại chúng và từ khía cạnh pháp lý, là câu hỏi nóng, rất cần được quan tâm, giải đáp.
Thực tế, câu chuyện DN phát hành chui bị mang ra ánh sáng khi DN nhận án phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP là 300 - 350 triệu đồng.
Cùng với khoản phạt tiền, DN chịu thêm hình phạt bổ sung, yêu cầu phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc (nếu có), cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà DN mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Quy định pháp lý như vậy, nhưng thực tế, DN không thực hiện thu hồi chứng khoán hay hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, vẫn tăng vốn… bình thường, khiến không ít cổ đông cảm nhận rõ sự coi thường luật pháp.
Ở khía cạnh pháp lý, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ý kiến từ UBCK cho biết, việc yêu cầu các DN đại chúng phát hành khi cổ phiếu tăng vốn phải đăng ký qua UBCK là để minh bạch quá trình tăng vốn, bảo vệ nhà đầu tư.
Theo thẩm quyền của mình, UBCK xem xét tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ phát hành, nhưng không thể can thiệp sâu vào tính khả thi của phương án phát hành hay sử dụng vốn, bởi đó là quyền của DN.
Khi phát hiện DN vi phạm về trình tự, thủ tục phát hành, theo quy định hiện hành, UBCK xử phạt hành chính (nếu giả mạo hồ sơ phát hành thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự), đồng thời yêu cầu DN thu hồi chứng khoán đã phát hành và trả lại tiền cho nhà đầu tư nếu họ yêu cầu.
Trường hợp cổ đông không yêu cầu hoàn trả lại tiền (do cổ đông đồng ý tham gia đợt phát hành, nhưng DN không tuân thủ quy định về thủ tục đăng ký với UBCK trước khi phát hành), DN phải báo cáo với UBCK và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của yêu cầu đó. Ngược lại, nếu cổ đông yêu cầu hoàn trả lại tiền, DN phải thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm toán lại vốn và báo cáo UBCK.
Từ các trường hợp phát hành chui cổ phiếu để tăng vốn, có thể chia thành 3 tình huống. Thứ nhất, với những cổ đông đồng ý góp vốn và không yêu cầu trả lại tiền, công ty vẫn hạch toán tăng vốn cho phần vốn góp này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thứ hai, có những cổ đông yêu cầu trả lại tiền, công ty buộc phải trả và hạch toán giảm vốn. Thứ ba, những cổ đông phản đối và không góp tiền tham gia đợt phát hành, thì được coi là không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đợt phát hành tăng vốn.
Việc các cổ đông phản đối DN phát hành chui bằng cách không nộp tiền mua, bị giảm tỷ lệ sở hữu, thậm chí bị gạt ra ngoài quyền đề cử ghế Hội đồng quản trị là một thực tế khi pháp lý hiện hành áp dụng kiểu “nước đôi” với hình phạt bổ sung trong các trường hợp trên.
Câu chuyện trên, nghe có vẻ như ủng hộ việc DN gọi vốn, nhưng đứng ở góc độ nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không ổn. Nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư lâu dài nếu DN tuân thủ luật pháp, chứ không phải lách tạm thời để xong việc và qua mặt cổ đông đại chúng.
Hy vọng, việc sửa Luật Chứng khoán để trình Quốc hội năm 2018, câu chuyện phát hành chui vẫn tăng vốn bình thường sẽ được các chuyên gia, nhà quản lý tính kỹ, để duy trì kỷ cương và niềm tin thị trường.