Phạt nặng doanh nghiệp phát hành “chui”

(ĐTCK) Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, các trường hợp doanh nghiệp  chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCK đều bị phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Phạt nặng doanh nghiệp phát hành “chui”

Phạt nặng

Nhìn lại hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay, có một điểm đáng chú ý là UBCK đã phạt nặng các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu “chui” ra công chúng. 

Cụ thể, UBCK đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng với CTCP Khoáng sản 3 - VIMICO vì từ ngày 7/11/2013 đến ngày 5/7/2014, Công ty chào bán 2 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhưng không đăng ký với UBCK.

Kèm theo đó, UBCK còn bắt buộc Công ty phải thu hồi số chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà Công ty mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc.

UBCK cũng xử phạt CTCP Gang thép Cao Bằng 350 triệu đồng do từ ngày 29/5/2015 đến ngày 1/7/2015, công ty này thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tăng vốn điều lệ từ 385 tỷ đồng lên hơn 430 tỷ đồng, nhưng không đăng ký với UBCK.

Công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có).

Cùng với quyết định xử phạt này, Công ty Gang thép Cao Bằng còn bị UBCK phạt 85 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng.

Gang thép Cao Bằng trở thành công ty đại chúng kể từ ngày 31/3/2011 với vốn điều lệ thực góp là 300 tỷ đồng và có 341 cổ đông, nhưng đến ngày 26/12/2016, UBCK mới nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty.

Các hình phạt trên, theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra UBCK là nghiêm khắc và đảm bảo tính răn đe đối với các doanh nghiệp có ý định vi phạm, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Ngoài phạt tiền, UBCK còn yêu cầu cả hai công ty hoàn trả tiền cho cổ đông nếu cổ đông có yêu cầu. Trường hợp cổ đông không yêu cầu hoàn trả lại tiền (do cổ đông đồng ý tham gia đợt phát hành, nhưng doanh nghiệp không tuân thủ quy định về thủ tục đăng ký với UBCK trước khi phát hành - PV), doanh nghiệp phải báo cáo với UBCK và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của việc này.

Trường hợp cổ đông yêu cầu công ty hoàn trả lại tiền, doanh nghiệp phải thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm toán lại vốn và báo cáo UBCK.

Giảm nhiều vi phạm

Bà Hương cho biết, thực ra trước đây, khi Luật Chứng khoán mới ban hành, nhiều doanh nghiệp không nắm được quy định chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đăng ký với UBCK, mà họ nghĩ chào bán cho cổ đông hiện hữu (số lượng hơn 100 người) thì thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp là được, nên vi phạm diễn ra nhiều, phức tạp.

Trong khi ngay cả chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhưng có từ 100 nhà đầu tư trở lên tham gia vẫn được coi là phát hành ra đại chúng, nên theo quy định doanh nghiệp phải đăng ký với UBCK.

“Với việc UBCK kịp thời phát hiện và xử phạt nặng các trường hợp sai phạm (vừa phạt tiền vừa buộc hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư), số lượng và mức độ vi phạm về phát hành cổ phiếu ra công chúng không đăng ký với UBCK thời gian gần đây giảm rõ rệt”, bà Hương cho hay.

Phạt nặng các doanh nghiệp phát hành “chui” để đảm bảo kỷ cương trên thị trường, bảo vệ nhà đầu tư là rất cần thiết, nhưng theo một số nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần phát hiện kịp thời và xử lý mạnh tay các trường hợp doanh nghiệp hoạt động kém minh bạch tìm cách “bán giấy” thu tiền của nhà đầu tư, rồi sau đó sử dụng vốn ra sao các cổ đông không có cách gì giám sát và kiểm tra. 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục