Luật Doanh nghiệp đã có nhiều quy định mới nhằm thúc đẩy người dân bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp, thay vì chủ yếu gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số nhà đầu tư vẫn sợ rủi ro cao khi đầu tư cổ phần, cổ phiếu, do cơ chế bảo vệ họ chưa có gì thay đổi. Ông có nghĩ như vậy?
Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán, hiện kém hiệu quả và ít có tính khả thi. Tuy Luật tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư khởi kiện doanh nghiệp xâm phạm các quyền của cổ đông, nhưng với trình tự, thủ tục giải quyết qua con đường tòa án theo quy định của hệ thống pháp luật dân sự hiện quá rườm rà, rắc rối như hiện tại, nhà đầu tư thực sự ái ngại.
Luật Chứng khoán mới cần quy định, nếu CTCK hoặc lãnh đạo CTCK vướng vòng lao lý, việc giao dịch của nhà đầu tư vẫn bình thường không thể bị treo cả năm.
Chừng nào tình trạng này chưa được khắc phục căn cơ, thì sẽ còn khó thu hút vốn ngoại tham gia thị trường, cũng như còn lâu mới tạo ra sự dịch chuyển dòng tiền gửi tiết kiệm trong dân vào đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.
Tại phương án xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra một nội dung mới là quy định rõ tiền, tài sản của nhà đầu tư có trong tài khoản mở tại công ty chứng khoán không phải là tài sản của công ty chứng khoán. Dự kiến này nhằm tránh trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phong tỏa khi công ty chứng khoán lâm vào tình trạng xấu. Ông nhìn nhận gì về nội dung này?
Thực ra nội dung này chỉ là khẳng định cho rõ, chứ xét về bản chất tiền và chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư tại ngân hàng và tại công ty chứng khoán đương nhiên thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế khi công ty chứng khoán, hoặc lãnh đạo công ty bị rơi vào tình trạng xấu như: bị khởi tố, điều tra…, thì thường toàn bộ hoạt động của công ty bị phong tỏa để phục cho quá trình điều tra.
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Khi đó việc giao dịch tiền, chứng khoán của nhà đầu tư gặp khó khăn, thậm chí bị ngưng trệ. Do đó, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, ngoài bổ sung nội dung trên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định ngay cả khi công ty chứng khoán, hoặc lãnh đạo công ty bị tạm ngưng hoạt động, bị tạm giữ, tạm giam…, thì ngoài đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tài sản của nhà đầu tư không có liên đới đến sai phạm của công ty chứng khoán hoặc lãnh đạo công ty, còn phải đảm bảo việc giao dịch tài sản của nhà đầu tư diễn ra bình thường, chứ không thể bị treo cả năm trời như trên thực tế đã xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư nhưng họ chẳng biết kêu ai.
VAFI từng đề xuất Ủy ban chứng khoán Nhà nước khi sửa Luật Chứng khoán cần bổ sung cơ chế thành lập tổ chức bảo vệ nhà đầu tư nhưng chưa được chấp thuận. Trong lần sửa đổi luật này, VAFI có tiếp tục đưa ra kiến nghị này không, thưa ông?
Kinh nghiệm cũng như thực tiễn hoạt động của nhiều thị trường trên thế giới như: Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông… cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần thành lập một tổ chức bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong các tình huống công ty chứng khoán giải thể, phá sản hay lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính mà không có khả năng đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư.
Một nghiên cứu của VAFI về kinh nghiệm thành lập Trung tâm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (Securities and Futures Investor Protection Center – SFIPC) của Đài Loan cho thấy, tổ chức này được thành lập và hoạt động theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 2002 bởi các sáng lập viên được Ủy ban chứng khoản chỉ định bao gồm: Công ty cổ phần sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, Công ty cổ phần sàn giao dịch sản phẩm tương lai Đài Loan, Thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết và trái phiếu (GreTai), Công ty lưu ký chứng khoán Đài Loan, tất cả các công ty tài chính chứng khoán và một số tổ chức khác…
SFIPC hoạt động từ nguồn quỹ đóng góp bởi các thành viên và có nhiệm vụ đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm thanh toán bù trừ, chất vấn tình hình hoạt động tài chính của các tổ chức phát hành, các công ty chứng khoán, các công ty dịch vụ chứng khoán và các công ty kinh doanh sản phẩm tương lai.
Với vai trò là một tổ chức đại diện vào bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, SFIPC được trao các đặc quyền như: làm cơ quan hòa giải tranh chấp trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư; quyền khởi kiện, tố tụng nhân danh nhà đầu tư khi được ủy quyền từ tối thiểu 20 nhà đầu tư có quyền lợi bị xâm phạm; quyền sử dụng quỹ bảo vệ nhà đầu tư để chi trả thiệt hại khi các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính…