Hạn chế sai phạm trên TTCK: Cần tư duy mới về chế tài

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán thời gian qua đã chứng kiến những quyết định xử phạt ngót nghét cả tỷ đồng cho một vụ việc. Nhưng liệu thế đã đủ để tăng sức mạnh răn đe, đảm bảo được kỷ cương trên thị trường? Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, đặt ra “trần” xử phạt hành chính là không hợp lý, nên đưa ra mức phạt dựa trên quy mô, tính chất vi phạm.
Cần trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Cần trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông nhìn nhận thế nào về các vi phạm trên thị trường chứng khoán và việc xử lý của cơ quan chức năng?

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán thì tính chất và số lượng các vi phạm cũng tăng lên. Cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời và xử lý mạnh tay hơn, cả về số vụ vi phạm và mức tiền phạt. Những năm gần đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt từ 5 - 7 vụ cho đến 10 - 20 vụ mỗi tháng và mức phạt tổng cộng cao nhất khoảng 750 triệu đồng/vụ, với một số vi phạm như thao túng giá chứng khoán, vi phạm công bố thông tin, gồm cả lỗi cố ý và sơ suất, vô ý.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt khiến các hành vi vi phạm vẫn phổ biến?

Tôi cho là cần xem lại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đạo luật này đặt ra “trần” xử phạt hành chính là không hợp lý. Mặc dù mức “trần” đã được nâng lên từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đủ để răn đe, khiến người ta phải sợ và không dám vi phạm, nhất là đối với một số lĩnh vực đặc thù như chứng khoán.

Khi xây dựng luật, có ý kiến cho rằng, vi phạm “nhẹ” thì xử phạt hành chính nên mức phạt cũng nhẹ hơn so với xử lý hình sự. Tôi cho rằng, cái lý này không phù hợp; đối với vi phạm hành chính, không nên đặt ra “trần” nào cả. Phạt tiền trong Bộ luật Hình sự từ mức một vài triệu đồng trở lên, còn xử phạt hành chính thì chỉ từ vài chục nghìn đồng trở lên.

Giống nhau là cùng bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hay hình sự. Nhưng chế tài khác nhau rất lớn, vi phạm hình sự còn phạt tù và tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, thậm chí tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội, mà hành chính thì không. Vì vậy, xử phạt hành chính cần phải cao hơn số tiền vi phạm và khoản lợi bất chính có thể mang lại, có thể là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Mức phạt nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe.

Ở Việt Nam, có một số lĩnh vực, mức phạt đã có sự thay đổi, nghiêm khắc hơn hàng chục lần trước kia và làm người ta... sợ hơn. Mới đây, có trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phạt 17 triệu đồng, tạm giữ ô tô 7 ngày và tước bằng lái 5 tháng. Trước đây, nhiều người coi thường quy định này và vẫn vi phạm thường xuyên, nhưng với mức phạt nặng như vậy thì nhiều lái xe phải sợ.

Với lĩnh vực chứng khoán, mức phạt là bao nhiêu mới đảm bảo tính răn đe, theo ông?

Vấn đề không phải là xử phạt tối đa bao nhiêu, bởi con số đó rất nhanh lạc hậu so với sự phát triển kinh tế. Mức phạt tối đa 500 triệu đồng trước đây đã lỗi thời từ lâu, nay tăng lên thành 2 tỷ đồng. Nhưng liệu 2 tỷ đồng đã là số tiền đủ lớn để người ta e ngại hành vi vi phạm?

Nguyên tắc là chúng ta phải xử phạt dựa trên quy mô và trên mức thu lợi. Người bán hàng rong, quà vặt, phạt vài trăm ngàn đồng có khi đã là lớn, nhưng với một tập đoàn, mức phạt vài tỷ đồng có lẽ chẳng là gì. Trong giao dịch chứng khoán, người vi phạm có thể thu lợi rất lớn, hàng chục tỷ đồng. Việc xử phạt chỉ vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng là chưa đủ sức răn đe.

Mức phạt, đầu tiên là phải cao hơn hẳn so với mức thu lợi. Một giao dịch nội gián có thể đem lại tiền tỷ, nếu chỉ phạt vài trăm triệu đồng thì chưa đủ. Thứ hai, cần xem xét để đưa ra mức phạt dựa trên quy mô, tính chất vi phạm. Dù không thu lợi, hoặc thu lợi ít, nhưng có thể phạt trên số lượng giao dịch và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Tất nhiên, nếu phạm tội thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài mức phạt, còn những điểm nào cần lưu ý để việc xử phạt hành chính thực sự có giá trị răn đe?

Có thực tế ở Việt Nam là tư duy lách luật ăn sâu vào nhận thức và ứng xử hằng ngày của nhiều người. Có những quy định cấm đoán là rất cần thiết và hiển nhiên rõ ràng, nhưng họ vẫn thường xuyên và cố tình vi phạm. Dường như tư duy “lách” ở khắp nơi, nên không có quy định nào mà họ kiêng kỵ.

Trong lĩnh vực giao thông thì ai cũng thấy rõ. Trong lĩnh vực ngân hàng, từ chuyện tăng vốn, cấm cho vay, đảo nợ, thu phí, lãi suất vượt trần đều có nhiều vi phạm. Trong lĩnh vực chứng khoán cũng vậy, khá nhiều vi phạm về công bố thông tin không đầy đủ, giao dịch nội gián, thao túng giá, thậm chí có cả chuyện công ty dừng hoạt động nhưng cổ phiếu vẫn được giao dịch.

Mặt khác, có những quy định không thực sự hợp lý. Vì vậy, vấn đề đặt ra là quản cái gì, xử phạt cái gì? Quy định mà ai cũng vi phạm là quy định sai. Quy định mà không ai vi phạm là quy định viển vông, không cần thiết. Ví dụ, công ty đại chúng không được bảo lãnh cho công ty con vay vốn.

Đây là quy định bất hợp lý, công ty mẹ - con là để hỗ trợ phát triển, bảo lãnh có thể coi là nghĩa vụ của công ty mẹ. Cần đảm bảo việc bảo lãnh được thực hiện công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông công ty mẹ, chứ không nên cấm. Bảo lãnh cho các công ty không liên quan mới là rủi ro, gây ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông.

Quan trọng hơn, phải kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc để “lọt lưới” vi phạm. Nếu như chỉ xử lý được số ít, tức khả năng “thoát tội” lớn, thì dù mức phạt cao, người ta cũng vẫn sẵn sàng vi phạm. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư vẫn thường rỉ tai nhau mã này, mã kia bị làm giá, rồi giao dịch nội gián, nhưng việc phát hiện và xử phạt hành vi làm giá, giao dịch nội gián còn hạn chế.

Ngoài chế tài xử phạt, pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện. Chẳng hạn, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, quyết định xử phạt phải ban hành trong vòng 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản phát hiện vi phạm, thay vì quy định 7 ngày làm việc.

Thực tế nhiều năm nay, chúng ta đã có những đợt nghỉ lễ kéo dài 5 - 7 ngày, thậm chí 9 ngày, dẫn đến không kịp xử phạt. Ví dụ, vụ vi phạm về niêm yết giá Nhân dân tệ ở Quảng Ninh đã không thể xử phạt được chỉ vì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá ngắn, trong khi phải chuyển hồ sơ vụ việc từ địa phương về Ngân hàng Trung ương.

Không ít ý kiến cho rằng, nên trao quyền điều tra cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi cho là cần thiết, ngay cả ngành ngân hàng cũng cần được trao quyền điều tra như đối với kiểm lâm, hải quan, vì đó là ngành đặc thù. Vấn đề là xác định rõ điều tra làm gì, đến đâu, chỉ là một khâu, một giai đoạn nào đó, chứ không phải phải điều tra toàn bộ vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được sửa đổi, do đó vấn đề trao thẩm quyền điều tra hình sự cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ không thể đặt ra cho đến khi bộ luật này được sửa đổi. Tuy nhiên, có thể sửa Luật Chứng khoán, Luật Xử lý vi phạm hành chính để trao quyền điều tra xử lý vi phạm hành chính. Nếu không có quyền điều tra thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ khó làm rõ được các vi phạm. Tất nhiên, thẩm quyền, phạm vi điều tra đến đâu phải rất cụ thể, rõ ràng, để tránh xung đột, chồng chéo. 

Hoàng Duy thực hiện.
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục