Theo Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành 114 quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính đối với 63 tổ chức và 51 cá nhân, tổng số tiền phạt 10,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các hành vi bị xử phạt nhiều từ đầu năm đến nay có thao túng giá cổ phiếu.
Chẳng hạn, mức phạt 550 triệu đồng đối với ông Trần Thanh Điền (Phú Lợi, Phú Lâm, Phú Tân, An Giang) và ông Hoàng Đức Dũng (Tổ 37, Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã được UBCK áp dụng, vì sử dụng nhiều tài khoản đứng tên mình và người khác nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu...
Mức phạt 550 triệu đồng được coi là cao so với các hành vi khác bị UBCK xử phạt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, mức phạt này nói riêng, cũng như các mức phạt khác áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
Điều này cùng với thẩm quyền của UBCK còn nhiều hạn chế so với thông lệ quốc tế, là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị đánh giá là kém hấp dẫn, kém an toàn trong con mắt giới đầu tư nước ngoài.
Thực trạng này đã được ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 diễn ra mới đây.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo UBCK cho biết, không phải cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không nhận diện được bất cập trên, bởi qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, muốn đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, Việt Nam cần áp dụng các mức phạt từ hàng triệu USD (và có thể cao hơn nữa) đối với các hành vi nghiêm trọng. Tuy nhiên, do mức phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện cao nhất chỉ là 2 tỷ đồng, nên dù rất muốn phạt nặng các vi phạm trên thị trường chứng khoán, cũng không thể vượt quá mức trần 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm.
“Với những vụ việc có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, UBCK chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để điều tra xử lý hình sự nhằm tăng tính răn đe. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ chứng minh đối tượng nghi vấn gây thiệt hại về vật chất và phi vật chất, nên lại chuyển trả hồ sơ cho UBCK. Khi đó UBCK đành phải xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt chưa đảm bảo tính răn đe do hạn chế của quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…”, lãnh đạo UBCK cho hay.
Hiện tại, UBCK không được trao quyền điều tra, nên không dễ dàng tiếp cận tài khoản ngân hàng, email của nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm. UBCK cũng không được triệu tập đối tượng có nghi vấn vi phạm, nên không thể buộc họ ký vào biên bản vi phạm để làm căn cứ cho áp dụng chế tài xử phạt.
Điều này cho thấy, UBCK hiện có thẩm quyền rất yếu so với ngay cả cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại các thị trường chứng khoán còn rất non trẻ như Lào, Campuchia...
Vì không có nghiệp vụ điều tra, nên quốc tế không chấp nhận cho UBCK ký biên bản ghi nhớ đa phương về hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán. Đây cũng là lý do khiến giới đầu tư nước ngoài quan ngại về rủi ro cho đồng vốn của họ khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Bộ Tài chính, UBCK từng đề xuất Quốc hội trao thẩm quyền điều tra cho UBCK, nhưng chưa được ủng hộ. Ở đây, nghiệp vụ điều tra của UBCK không giống như cơ quan công an, mà điều tra chứng khoán, nhằm giúp UBCK đủ thẩm quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng, thư cá nhân của nhà đầu tư, để làm rõ nghi vấn, mà không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát như nghiệp vụ điều tra của cơ quan công an. Khi có đủ chứng cứ vi phạm ban đầu, UBCK sẽ phối hợp xử lý với cơ quan công an tốt hơn, góp phần tăng tính răn đe”, ông nói và mong đợi kiến nghị này sẽ sớm được Chính phủ, Quốc hội xem xét lại, vì sự phát triển an toàn, ổn định của nền chứng khoán non trẻ tại Việt Nam.