Chuỗi giá trị, “cứu tinh” của doanh nghiệp thủy sản

(ĐTCK) Mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp ngành thuỷ sản Việt Nam đạt được thành tích cao trong giai đoạn 2017 - 2018, nhưng bước sang năm 2019, khó khăn, thách thức dần tăng lên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp đang hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín nhằm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội.
Năm 2019, giá cá tra có nhiều thời điểm giảm xuống mức đáy 10 năm Năm 2019, giá cá tra có nhiều thời điểm giảm xuống mức đáy 10 năm

Kết quả 9 tháng, lộ ra nhiều khó khăn đối với ngành

Với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra niêm yết, ngoại trừ ANV báo cáo doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng lần lượt là 13% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái, IDI tăng trưởng doanh thu 28% nhưng lợi nhuận giảm 37%, thì các doanh nghiệp khác như VHC, ACL, HVG, AAM, AGF đều tăng trưởng âm, thậm chí HVG và AGF vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ.

Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm là giá cá giảm mạnh do tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ giảm. Các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ như VHC và HVG đều bị ảnh hưởng.

Tính riêng quý III/2019, doanh thu của VHC giảm 25%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, HVG lỗ thêm 129 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như ACL có lợi nhuận giảm sâu, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ; lợi nhuận của CMX giảm 55% so với cùng kỳ.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, AAM thực hiện vượt 15% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng kế hoạch này thấp hơn 33% so với thực hiện năm 2018; ACL hoàn thành được 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Các doanh nghiệp như VHC, ANV, IDI, CMX lần lượt thực hiện được 80%, 72%, 44%, 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019.

Trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, MPC có doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm giảm 35% và mới chỉ hoàn thành 57% kế hoạch năm, nguyên nhân chính là do thiếu nguyên liệu và giá tôm nguyên liệu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Tình hình nguyên liệu về nhà máy ít và chậm đã hạn chế khả năng xuất hàng nhanh cho khách hàng, đồng thời hạn chế việc ký thêm đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, FMC có doanh thu giảm gần 3% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng lại tăng 41%, hoàn thành 96% kế hoạch năm.

Hướng tới xây dựng chuỗi giá trị khép kín

Thách thức mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam luôn phải đối diện là tình trạng phát triển vùng nuôi ồ ạt khi giá tăng, bỏ ao nuôi trồng khi giá giảm, khiến giá nguyên liệu cá, tôm biến động bất thường. Trong khi đó, các nước xuất khẩu khác cạnh tranh gay gắt, còn các nước nhập khẩu có những tiêu chí rà soát về xuất xứ, chất lượng sản phẩm khắt khe hơn.

Vì vậy, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đi từ “gốc” của vấn đề là chất lượng con giống, chất lượng sản phẩm phải được kiểm soát tốt, dần đáp ứng được các chuẩn mực khai thác quốc tế và song hành với đó là chiến lược phát triển đa dạng thị trường.

Diễn biến đáng chú ý về thị trường xuất khẩu cá tra năm nay là sự suy giảm nhập khẩu trong nhiều tháng của thị trường Mỹ do hàng tồn kho cao và giá giảm mạnh đã hạn chế sức mua của các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, thị trường này được kỳ vọng sẽ hồi phục trong thời gian tới, khi hàng tồn kho được xử lý và các nhà nhập khẩu cần trữ hàng cho kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á và EU gia tăng nhập khẩu. Trong đó, thị trường Đại lục có xu hướng sử dụng sản phẩm cá tra tại các chuỗi nhà hàng. Thị trường Đông Nam Á tăng nhu cầu tiêu dùng do giá cá giảm.

Theo VHC, giá cá tra giảm nên nhiều hộ nông dân phải “treo” ao hoặc chuyển sang nuôi trồng các giống thủy sản khác. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty đang triển khai dự án Tân Hưng, quy mô 220 ha, sẽ tiến hành thả nuôi vào cuối năm. Hiện tại, Công ty có thể tự cung được con giống và nguyên liệu chất lượng cao trong quy trình sản xuất khép kín, khả năng tự chủ nguyên liệu khoảng 50%.

Bên cạnh đó, VHC sẽ tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, kỳ vọng đóng góp đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty trong thời gian tới, nhằm bù đắp cho nhu cầu giảm sút từ thị trường Mỹ.

Với ANV, kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm nay một phần là nhờ đa dạng hóa thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 30,5 triệu USD (tăng 82%), tiếp đến là Đông Nam Á với 16,5 triệu USD (tăng 32%) và châu Âu (14 triệu USD, giảm 6%), ngoài ra còn nhiều thị trường khác như Trung Đông, Mexico, Brazil…

Theo ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc ANV, Công ty hiện có 3 nhà máy, công suất thiết kế 600 tấn/ngày và đang đẩy mạnh dự án chiến lược là vùng nuôi Bình Phú, có diện tích 600 ha. Dự án Bình Phú đủ điều kiện áp dụng các biện pháp công nghệ cao giúp giá thành sản phẩm tối ưu hơn. Một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là hoàn thành chuỗi giá trị khép kín của doanh nghiệp. Thông qua dự án này, ANV sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác là ACL, có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, nhưng với việc áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất trong nửa đầu năm 2018 đã khiến sản phẩm của Công ty gặp khó khăn ở thị trường này. Tận dụng đà tăng tốt của thị trường Trung Quốc, ACL cũng có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng về dài hạn, vấn đề cốt lõi của ACL vẫn là tự chủ vùng nguyên liệu. Thời gian qua, ACL phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài.

Với hoạt động xuất khẩu tôm, các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ tất cả các cường quốc nuôi tôm, bao gồm Ecuador, Indonesia và Ấn Độ. Các nước này đều đẩy mạnh sản lượng và giảm giá bán, qua đó gia tăng thị phần. Do đó, tự chủ vùng nuôi cũng là một trong các giải pháp cho các doanh nghiệp Việt.

FMC được một số công ty chứng khoán đánh giá có mức tự chủ vùng nuôi chưa cao, chỉ khoảng 20%, nhưng Công ty đã có kế hoạch tăng quỹ đất tự nuôi tôm để chủ động nguồn nguyên liệu sạch.

Năm 2020, ngành thuỷ sản được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi có yếu tố thúc đẩy tăng trưởng là Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ tháng 6/2020 và thuế nhập khẩu phần lớn cá tra nguyên liệu giảm từ 5,5% xuống 0% trong vòng 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Còn thuế nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU đối với các sản phẩm tôm nguyên liệu (gồm tôm tươi, đông lạnh và ướp lạnh) sẽ giảm từ 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, hoặc lộ trình 3 - 5 năm và thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ giảm từ 7% về 0% trong 7 năm.

Theo đó, EVFTA sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ cá tra của người dân tại EU. Với sản phẩm tôm, hai đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Ecuador và Ấn Độ, hai nước này chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu, nên ưu đãi thuế là cơ hội để doanh nghiệp tôm Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Ngọc Phú
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục