Các “ông lớn” thủy sản cũng chật vật với mục tiêu lợi nhuận

(ĐTCK) 9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thủy sản có doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận suy giảm. Nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây ngành này, khiến mục tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trong năm nay cũng trở nên khó khăn. 
Giá mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm 2019 có diễn biến giảm, trong khi giá tôm nguyên liệu tăng cao. Giá mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm 2019 có diễn biến giảm, trong khi giá tôm nguyên liệu tăng cao.

Tôm: Giá nguyên liệu tăng, giá xuất khẩu giảm

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) cho thấy, trong quý III/2019, Công ty đạt doanh thu 5.213 tỷ đồng, tăng 5,2%; lợi nhuận trước thuế 266 tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, MPC đạt doanh thu 12.729 tỷ đồng, tăng 1,7%; lợi nhuận sau thuế 390 tỷ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Ðiệp, thành viên Hội đồng quản trị MPC cho biết, lợi nhuận năm nay của Công ty suy giảm chủ yếu xuất phát từ việc thiếu nguồn nguyên liệu.

Diễn biến thời tiết bất lợi khiến sản xuất của ngành gặp khó khăn khi giá tôm nguyên liệu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước lân cận. MPC chỉ chủ động được 10 - 15% nguyên liệu do Công ty nuôi trồng, phải mua nguyên liệu bên ngoài từ 85 - 90%.

Ðể đáp ứng nguyên liệu thực hiện các đơn hàng, Công ty phải nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, khiến lợi nhuận gộp giảm. Với tình trạng hiện tại, khả năng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay là rất khó.

Cũng vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên hoạt động xuất khẩu của MPC giảm mạnh. “Công ty phải đàm phán với một số đối tác về việc gia hạn thời gian giao hàng, do nguồn nguyên liệu tôm khan hiếm.

Có những đối tác chấp nhận, nhưng cũng có những khách hàng không đồng ý, dẫn đến hủy đơn hàng và tìm kiếm thị trường khác”, ông Ðiệp chia sẻ.

Lãnh đạo MPC cho hay, Công ty đang lên kế hoạch tập trung hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm nay để chủ động hơn nguồn cung và năng lực áp ứng đơn hàng trong những năm tiếp theo. Ứng dụng công nghệ cao vào các ao nuôi, MPC hướng tới việc có thể tự chủ 50% nguyên liệu tự nuôi và 50% còn lại từ các vùng nuôi hợp tác với nông dân.

Diễn biến trên thị trường tôm cho thấy, các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua, chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, tết cuối năm, càng khiến giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm 2019 liên tục có diễn biến giảm, tính đến giữa quý III giảm 15,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Ðộ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan khiến không chỉ tôm, mà giá các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng giảm như cá tra giảm 7,7%, mực và bạch tuộc giảm 7,4%...

Cá tra: Khủng hoảng thừa nguyên liệu

Trái ngược với tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu tôm, 2019 được coi là năm “khủng hoảng thừa” đối với cá tra.

Theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM), giá cá tra đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng/kg, khiến nhiều doanh nghiệp cá tra gặp khó khăn, khó có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

Tình trạng doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận suy giảm cũng xảy ra đối với ASM. Quý III/2019, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 3.331 tỷ đồng, tăng 37%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 178 tỷ đồng, giảm 3,8% so với quý III/2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu đạt 10.453 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 443 tỷ đồng.

Thời điểm cuối quý III/2019, ASM có hàng tồn kho 2.791 tỷ đồng, tăng 465 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tăng giá trị thành phẩm tồn kho. Về vấn đề này, ông Thuấn cho rằng, Công ty có kho để dự trữ nguồn cá là một lợi thế so với những doanh nghiệp khác.

“Biến động giá nguyên liệu rất khó lường, nếu có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì cũng là một lợi thế khi mua được giá thấp. Hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ cá thể không còn mặn mà với việc nuôi trồng thủy sản, nên Công ty sẽ tăng khả năng lưu trữ mặt hàng để chờ giá tốt hơn”, ông Thuấn nói.

“Khủng hoảng thừa” cũng ảnh hưởng đến Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC). Theo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, VHC đạt doanh thu 1.882 tỷ đồng, lợi nhuận 254 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 5.699 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 57% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 981 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm.

Thời điểm cuối tháng 9/2019, giá trị hàng tồn kho của VHC là gần 1.779 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

So với các doanh nghiệp khác, việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đối với VHC có phần đỡ áp lực hơn. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận mà VHC đặt ra cho năm nay là 1.255 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2018, do Công ty lường trước được những khó khăn.

Khó tận dụng cơ hội từ thương chiến Mỹ - Trung

Ngành thủy sản được nhìn nhận là nhóm được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, với kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này không nhiều, nhưng cũng khó có thể tận dụng được cơ hội.

Ðơn cử, tổng doanh thu xuất khẩu sang các thị trường trong 9 tháng đầu năm của MPC đạt 484,6 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt hơn một nửa chỉ tiêu của cả năm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 58,8%, Hàn Quốc giảm 20,64%, Nhật Bản giảm 7,56%...

Ngành thủy sản đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, giá cả, áp lực cạnh tranh, sự siết chặt của các quy định, quy chuẩn và án phạt thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn treo lơ lửng.   

Nhìn chung, ngành thủy sản Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm và cá tra, đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước khác phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra. Một số thị trường như Ấn Ðộ hay Thái Lan đang kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và được mùa.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp dự kiến sẽ tác động không nhỏ đến tính cạnh cạnh, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Số liệu cập nhật của Tổng cục Thủy sản và Bộ Công thương đều cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng thủy sản cả nước đạt hơn 6,22 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Công thương cảnh báo, ngành thủy sản đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, giá cả, áp lực cạnh tranh, sự siết chặt của các quy định, quy chuẩn và án phạt thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn treo lơ lửng, khiến mục tiêu kế hoạch xuất khẩu cả năm 10 tỷ USD khó có thể đạt được.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu mặt hàng tôm cả năm 2019 ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4%; xuất khẩu cá tra ước đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục